Bỏ phố về rừng, nuôi gà bằng thảo dược

Minh Thùy
Minh Thùy
21/07/2023 10:55 GMT+7

Ngôi nhà nằm lọt thỏm trong thung lũng ở TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn là nơi anh Nguyễn Thành Lê và vợ (chị Ngô Thị Thanh Tâm) chọn để lập nghiệp sau khi rời thành phố Hà Nội từ cách đây 4 năm trước.

Cùng sống xanh số 41: Thấy vui với việc bỏ phố về rừng nuôi gà bằng thảo dược lên men

Khi đó, cả hai vợ chồng đang có công việc ổn định với mức thu nhập cao ở thành phố nhưng rồi anh chị thấy cuộc sống không vui bởi suốt ngày đối diện với khói bụi, nhà cao tầng, thực phẩm kém an toàn. Ký ức của thời niên thiếu sống ở vùng nông thôn luôn cho họ một cảm giác dễ chịu, và thế là hai vợ chồng trẻ cùng hai con thơ đưa nhau lên vùng đất lành với thiên nhiên còn thuần tuý này. 

Nuôi gà bằng thảo dược và đệm lót sinh học tạo sinh kế cho người dân bản địa vùng cao  - Ảnh 1.

Khu vườn nhà anh Lê ở tỉnh Bắc Kạn

Minh Thuỳ

Khó khăn lớn nhất với đôi vợ chồng trẻ là họ không thuộc địa hình ở miền đất mới. Bỏ phố về rừng là thay đổi hoàn toàn môi trường sống và cách làm việc. "Ở trong rừng này thì rất thích nhưng mình phải học lại từ đầu. Học cách trồng cây, học cách chăn gà, học việc lên đồi như thế nào để không bị mệt, học tất cả các thứ. Nhà dân gần nhà mình nhất thì cách 450 m, rất thích hợp trong việc chăn nuôi. 

Thứ hai là nguồn đất của mình cũng không được dồi dào cho lắm. Bản thân mình từ trước đến giờ rất thích ăn gà, nhưng trên thị trường thì cũng không biết được là họ nuôi như thế nào? Sau khi về Bắc Kạn thì mình học hỏi rất nhiều mô hình nuôi gà trên mạng internet. Mình muốn tạo ra một con gà, bản thân mình ăn là phải sạch, cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch. Gà sạch là gà không có tồn dư thuốc kháng sinh", anh Lê chia sẻ.

Nuôi gà bằng thảo dược và đệm lót sinh học tạo sinh kế cho người dân bản địa vùng cao  - Ảnh 3.

Đàn gà trên đệm lót sinh học và ăn cám thảo dược

Ngọc Linh

Nghĩ là làm, anh Lê đi tìm chuyên gia tư vấn, đi hỏi các thầy lang trong vùng để bắt tay vào nuôi gà bằng thảo dược và đệm lót sinh học. Nếu con gà nuôi bằng cám công nghiệp thì chỉ 4 tháng là xuất bán nhưng nuôi bằng cám ủ lên men, uống thảo dược, và ngủ trên đệm lót sinh học thì phải 6 tháng hoặc hơn mới có thể xuất bán. Mặc dù vậy, anh Lê vẫn kiên nhẫn thực hiện con đường mình đã chọn. Ngay từ khâu chọn giống thì anh Lê cũng đi vào các bản ở Bắc Kạn có địa hình và điều kiện thổ nhưỡng giống với nơi anh đang sống để tìm mua giống gà ta bản địa về chăm.

Anh Lê bộc bạch: "Nguồn thức ăn cho gà cũng không liên quan lắm đến việc nuôi gà bản địa. Mình có thể thuần được. Khó nhất là nuôi bằng thảo dược vì nó có cả một quá trình. Ngoài việc cho ăn, mình còn làm đệm lót sinh học tạo môi trường an toàn cho gà để cách ly tối đa việc gà nhiễm những nguồn bệnh khác từ môi trường. Mình đang sống trong rừng nên tận dụng nguồn thảo dược có sẵn xung quanh. Mình tham vấn chuyên gia và các thầy lang trong vùng, cộng thêm nghiên cứu thấy nó tốt cho con gà. Dùng men vi sinh để lên men thảo dược rồi cho gà uống. Còn cái bã thì mình trộn vào thức ăn cho ăn luôn".

Nuôi gà bằng thảo dược và đệm lót sinh học tạo sinh kế cho người dân bản địa vùng cao  - Ảnh 5.

Cám thảo dược là thức ăn hàng ngày của gà ở đây

Ngọc Linh

Khi mới nuôi gà, anh Lê cũng gặp nhiều khó khăn thậm chí là thất bại. Nhưng anh kiên trì tìm tòi, phối trộn trong hơn 1 năm để có công thức pha trộn thức ăn cho gà phù hợp. Anh Lê chia sẻ: "Khó khăn nhất là đối với gà con từ 1 - 21 ngày tuổi, đây là thời gian rất quan trọng để phát triển. Chính vì vậy nó cần rất nhiều dưỡng chất. Gà mới nở ra mình đã cho uống thảo dược rồi. Bình thường người ta nuôi sẽ phải mua thuốc có kháng sinh cho gà uống. Thảo dược của mình cũng có kháng sinh, nhưng là kháng sinh tự nhiên. Con gà của mình nuôi thì cho uống thảo dược từ lúc mới bóc trứng cho đến lúc xuất bán. Uống thảo dược suốt cả cuộc đời luôn".

Nuôi gà bằng thảo dược và đệm lót sinh học tạo sinh kế cho người dân bản địa vùng cao  - Ảnh 6.

Bình thảo dược luôn được châm đầy phục vụ các chú gà

Ngọc Linh

Theo anh Lê, nhờ uống thảo dược, gà hạn chế được đến mức tối đa bệnh tật và cũng không thấy xuất hiện bệnh trên diện rộng. Thứ hai, con gà được sống trong môi trường sạch sẽ hoàn toàn không có mùi hôi. Trong quá trình nuôi gà thì loài gà rất là mẫn cảm với tất cả các loại bệnh. Bệnh từ virus này, rồi vi khuẩn này, kí sinh trùng những con vật nuôi hay là kể cả bản thân con người cũng vậy. Chữa bệnh dễ nhất là phòng bệnh từ xa, nuôi bằng thảo dược và đệm lót sinh học chính là cái chìa khóa quan trọng nhất trong việc nuôi gà. 

Nuôi gà bằng thảo dược và đệm lót sinh học tạo sinh kế cho người dân bản địa vùng cao  - Ảnh 7.

Anh Lê hái lá thảo dược

Ngọc Linh

Nói về đầu ra cho sản phẩm gà thảo dược thì anh Lê hào hứng: "Có lần bạn tôi từ Hà Nội lên đây thăm trang trại của tôi. Tôi mời các bạn ăn gà mà tôi nuôi sau đó khi trở lại Hà Nội, muốn ăn gà là họ cứ gọi điện cho tôi họ còn giới thiệu cho bạn bè đặt mua".

Ngoài việc bán gà cho người thân, anh Lê cho biết bạn bè hay là thực phẩm sạch ở Hà Nội tự tìm đến thì tiêu thụ cũng khá dễ. Khách hàng luôn phản hồi là có sự khác biệt rất lớn so với các con gà khác. Bây giờ gia đình anh cũng không thể ăn gà ngoài được, bởi sự khác biệt ở độ ngon, độ ngọt. Người dân bản địa được ăn thịt gà nuôi theo mô hình này đều khen vì thấy thịt thơm hơn gà truyền thống. Và họ tìm đến với cách nuôi của anh. 

"Trong suốt ba năm nuôi gà tôi thấy việc nuôi gà bằng thảo dược mang lại rất nhiều lợi ích. Đúc rút lại thì tôi thấy việc nuôi gà bằng thảo dược là tuyệt vời! Chắc chắn tôi sẽ cố gắng phát triển thêm việc nuôi gà bằng thảo dược và lan tỏa giải pháp đến nhiều người hơn. Nhiều bạn bè cũng hỏi khi nào tôi quay lại Hà Nội nhưng hiện tại tôi đang rất vui khi mà cuộc sống ở núi rừng như này và vui với việc chăn gà", anh Lê chia sẻ kinh nghiệm.

Nuôi gà bằng thảo dược và đệm lót sinh học tạo sinh kế cho người dân bản địa vùng cao  - Ảnh 8.

Vợ chồng anh Nguyễn Thành Lê - chị Ngô Thị Thanh Tâm trong vườn thảo dược trước nhà

Ngọc Linh

Nhận xét về mô hình chăn gà bằng thảo dược và đệm lót sinh học của anh Lê, chuyên gia nông nghiệp vi sinh Hoàng Sơn Công, Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài năng Việt Nam đánh giá cao việc anh Lê đã thực hiện mô hình nuôi gà dựa trên giải pháp tích hợp các yếu tố tài nguyên bản địa để phát triển sinh kế cho đồng bào vùng cao tại Bắc Kạn. Đồng thời giữ lại rất nhiều giá trị văn hóa và công nghệ ở trong câu chuyện nuôi gà. Việc sử dụng các loại thảo dược mọc tại địa phương và kế thừa các bài thuốc của các dân tộc vùng cao trong việc chăm sóc sức khỏe cho người để đưa vào làm thức ăn chăn nuôi giải quyết tốt việc phòng bệnh cho gà. 

Vẫn theo ông Công, anh Lê đã tận dụng được các tài nguyên bản địa để làm thức ăn chăn nuôi và ứng dụng thêm cả công nghệ lên men; dùng thảm lá quế làm đệm lót sinh học cho đàn gà và sử dụng thêm vi sinh bản địa... Cách nuôi này giúp đàn gà khỏe mạnh, không bị đau ốm. Đồng thời, cấy các loại giun xuống đất để tạo ra môi trường cho đàn gà tự kiếm ăn, quay về trạng thái nguyên thủy của nó. "Đằng sau việc nuôi gà theo mô hình này tôi đánh giá rất cao tinh thần của bạn là làm ra những câu chuyện về sinh kế và phát triển, giữ gìn được văn hóa và tài nguyên bản địa", ông Hoàng Sơn Công cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.