Tại buổi tọa đàm “Thanh niên chủ động hội nhập quốc tế” do T.Ư Đoàn tổ chức ngày 24.3, các bạn trẻ đều bày tỏ mong muốn được làm giàu trên chính quê hương mình.
Tọa đàm "Thanh niên chủ động hội nhập quốc tế" - Ảnh: H.Bình |
Là Bí thư chi đoàn, anh Nguyễn Ka Hai, ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, H.Năm Căn (Cà Mau) luôn trăn trở trước thực trạng ngày càng nhiều thanh niên nông thôn rời bỏ quê hương đi làm ăn xa. Trong 5 qua, anh Hai đã học hỏi, tìm hiểu những mô hình, cách làm hay để thu hút tập hợp thanh niên ở lại địa phương làm giàu như: nuôi tôm cua kết hợp, ao cá nước ngọt, trồng thanh long ruột đỏ, nuôi ốc len, sò huyết... Hiệu quả của mỗi mô hình hàng năm trên 300 triệu đồng, tăng thu nhập của đoàn viên thanh niên trong chi đoàn trung bình 9 triệu đồng/người/tháng.
“Bỏ quê hương là điều không ai mong muốn, nhưng vì điều kiện kinh tế họ mới phải ra đi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tại địa phương. Nếu Đoàn hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, hướng dẫn cho họ sản xuất, tôi tin sẽ thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia vào các chương trình của Đoàn, vừa tránh việc phải đi làm ăn xa, vừa giữ được đoàn viên thanh niên ở lại địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình”, anh Hai nói.
Từ kinh nghiệm thực tế trong sản xuất, anh Phan Thanh Sang, chủ trang trại trồng lan tại Đà Lạt (Lâm Đồng) cho rằng, muốn công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiến tới hội nhập quốc tế phải ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đây là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, sẽ góp phần thu hẹp dần khoảng cách của VN với các nước tiên tiến trên thế giới. Anh Sang bày tỏ: “Tôi đã đi học hỏi ở Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…, ai nắm được nguồn giống thì có tất cả. Còn tại Việt Nam, bản quyền về giống chúng ta rất yếu, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém, giá cả bấp bênh, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Ngay trên sân nhà chúng ta còn khó cạnh tranh, nói gì đến chuyện vươn ra thế giới”.
Theo anh Sang, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi, con người cần cù chịu khó, để không tụt hậu, ngoài hỗ trợ về vốn, Đoàn thanh niên cần hỗ trợ và kêu gọi đoàn viên tham gia nghiên cứu khoa học, nắm bắt nhanh và vận dụng sáng tạo các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại; đồng thời ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cho đoàn viên thanh niên đang trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, cho bà con nông dân.
Anh Khổng Văn Nam, chủ trang trại trẻ ở Tuyên Quang mong muốn, Đảng và Nhà nước tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn, cải thiện đời sống. Anh Nam kiến nghị: “Đoàn thanh niên cần chủ động tham gia cùng với Nhà nước hoàn thiện chính sách, thực hiện các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; trực tiếp quản lý và triển khai các chương trình, dự án về dạy nghề, tạo việc làm, dịch vụ việc làm cho thanh niên. Thông qua các hoạt động, chương trình, vận động xây dựng cho thanh niên ý chí tự vươn lên, chủ động, tự giác học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, làm giàu chính đáng”.
Để tạo môi trường cho thanh niên tiếp tục rèn luyện, phấn đấu và không ngừng trưởng thành, Bí thư T.Ư Đoàn Đặng Quốc Toàn cho biết, thông qua các phong trào xung kích, Đoàn thanh niên tiếp tục là người bạn đồng hành, là chỗ dựa tin cậy của thanh niên trong quá trình hội nhập. Anh Toàn đề nghị, các cơ sở Đoàn tiếp tục thực hiện những giải pháp có ích trong thời gian qua, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thanh niên trong quá trình hội nhập. Đặc biệt là tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp, ứng dụng sáng tạo trong việc nâng cao năng suất lao động.
Bình luận (0)