Bỏ quên… rác

18/03/2017 12:15 GMT+7

Nhà máy xử lý rác lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế quá tải, người dân thì liên tục chặn xe chở rác... khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại đây tăng cao suốt gần nửa tháng nay.

Liệu có phải địa phương đã “bỏ quên” khâu quy hoạch xử lý rác thải?
Giọt nước mắt trong ngày 8.3
Cả hội trường cuộc họp đang lao xao tiếng người bàn cãi bỗng chốc ngưng lắng lại khi bà Trần Thị Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa khóc vừa phát biểu. Đã 10 ngày trôi qua, “bộ máy” của Đảng ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể xã Lộc Thủy bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lãnh đạo chủ chốt cùng phần lớn cán bộ xã dồn sức vận động, thuyết phục, giải tỏa các đoàn xe chở rác bị người dân thôn Nam Phước ngăn chặn không cho nhập rác tại khu xử lý chất thải rắn của Công ty CP môi trường và công trình đô thị Huế (Hepco).
Rác đang là nỗi ám ảnh của nhiều người ở đây. Ăn, ngủ gì cũng... thấy rác. Bản thân bà Bình cũng đã cùng cán bộ của mình nhiều đêm thức trắng. Ngày 8.3, thay vì liên hoan hay dùng bữa cơm ấm cúng bên gia đình, hàng chục chị em trong đó có cả bà Bình lại ngồi đối mặt với nhau trong một cuộc họp khá căng thẳng do lãnh đạo H.Phú Lộc chủ trì để “khơi thông” dòng rác từ 18 xã, thị trấn đổ về.
“Đã 10 ngày rồi, có lúc 12 giờ đêm em vẫn chưa dám ngủ. Đứa con nhỏ của em bị bệnh đậu mùa mấy hôm nay mà em vẫn không thể chăm con...”, nữ lãnh đạo tuổi gần 40 xưng hô thân mật, trải lòng với bà con xã mình trong làn nước mắt.
Không phải bây giờ mà từ hồi tháng 5.2012, những bức xúc của người dân về khu xử lý rác Lộc Thủy gây ô nhiễm đã được Báo Thanh Niên phản ánh và Hepco sau đó đã chấn chỉnh. Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian, ô nhiễm lại phát tác. Bản thân sự tồn tại khu xử lý rác đã có nhiều bất hợp lý khi xây dựng trong khu dân cư và ở đầu nguồn nước; đường vận chuyển rác đi trong lòng khu dân cư…
Không chỉ thế, những tháng gần đây lượng rác nhập về thôn Nam Phước nhiều một cách bất thường. Ô tô vận chuyển rác cả ngày lẫn đêm, có cả xe ben tải không đảm bảo quy cách. Rác không đậy bạt, rồi nhiều người được vào tận khu xử lý để đào bới tận thu phế phẩm, phế liệu… khiến mùi hôi lan nhanh hơn. Suốt nhiều tháng không thấy ai chấn chỉnh, người dân từ trạng thái bất an chuyển sang phẫn nộ và bộc phát chặn xe. Cuộc họp chiều 8.3 là cuộc họp, đối thoại thứ 4 kể từ khi xảy ra những căng thẳng chung quanh khu xử lý rác.
Lời xin lỗi của lãnh đạo xã, huyện và Hepco cùng với những lời hứa xử lý về mùi hôi, ruồi nhặng, nước bẩn, sử dụng xe chuyên dụng để vận chuyển… của cuộc đối thoại thứ 4 còn đó, thì chỉ 2 ngày sau lại có xe ben tải (không phải xe chuyên dụng) chở rác hướng vào khu xử lý chất thải rắn. Lại chặn xe. Và niềm tin rạn vỡ…
5 năm xây chưa xong 1 nhà máy
Khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy có tổng diện tích khoảng 27 ha. Đây là công trình do Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung đầu tư bằng vốn vay ADB và AFD với kinh phí khoảng 3,42 triệu USD. Công trình hoàn thành vào năm 2011 có chức năng thu gom, xử lý toàn bộ rác cho H.Phú Lộc, với công suất khoảng 135 tấn/ngày. Hiện khu xử lý chất thải này là nơi giảm tải khu xử lý rác tại P.Thủy Phương, TX.Hương Thủy vốn dĩ đang tồn ứ hàng ngàn tấn rác thải.
Trao đổi với Thanh Niên về hướng xử lý rác sau khi người dân chặn xe chở rác, Phó tổng giám đốc Hepco Trần Trung Khánh nhìn nhận tình thế hiện rất khó khăn. Bị chặn, nguồn rác từ H.Phú Vang đành phải đưa trở lại nhập rác ở nhà máy Thủy Phương và tiếp tục “oằn mình” xử lý rác trong tình trạng quá tải.
Sau 5 năm với 2 “đời” chủ nhà đầu tư, nhà máy xử lý chất thải rắn tại TX.Hương Thủy vẫn đang dang dở Ảnh: Đ.T
Chúng tôi vừa trở lại khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn ở xã Phú Sơn (TX.Hương Thủy). Theo quy hoạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế dành 40ha để tái chế chất thải rắn, xây khu xử lý sinh học, lò đốt, chôn lấp, khu điều hành, công trình phụ trợ. Tuy nhiên đến giữa cuối tháng 3.2017, ngoài con đường nhựa gần 4km từ tuyến tỉnh lộ 15 đi vào, khu xử lý chẳng có hạng mục nào đáng kể.
Đáng chú ý, tại khu quy hoạch này, ngày 12.1.2012 nhà máy xử lý chất thải rắn Hương Thủy cũng đã được Công ty TNHH môi trường An Phát khởi công xây dựng. Những con số đưa ra lúc đó khiến nhiều người thở phào: công suất 500 tấn rác thải/ngày, kinh phí đầu tư 900 tỉ đồng, khoảng 130 - 150 công nhân làm việc... Thế nhưng, sau 5 năm, “nhà máy” chỉ là một khu đất ngổn ngang các ụ đất và dở dang phần móng, trụ bê tông trơ sắt thép.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2014 dự án này được chuyển sang chủ đầu tư khác (Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng Hải Vân) để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ Bioplasma Huế, công suất 300 tấn rác/ngày. Vậy là qua 2 “đời” chủ đầu tư, hiện dự án này cũng chỉ là “chiếc bánh vẽ”. Cách nay không lâu, để “giải phóng” rác, Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi động khu chôn lấp rác trên khoảng 2ha trong khu quy hoạch xử lý chất thải rắn chung. Tất nhiên, khu chôn lấp này cũng mù mờ về... thời điểm hoàn thành.
Rác cứ thải ra mỗi ngày và dường như đang bị bỏ quên. “Dòng” rác cứ ứ chỗ này thì tính san bớt đi nơi khác, khi vấp phải sự phản đối của người dân thì lại lâm vào cảnh ứ đọng. Đến phiên đối thoại thứ 5 mà câu chuyện rác thải ở phía nam Thừa Thiên - Huế vẫn chưa tìm ra lời giải.
Người dân “không tin” lời cam kết của Hepco
Phiên đối thoại thứ 5 vừa được lãnh đạo UBND H.Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) thực hiện vào chiều 14.3 vừa qua liên quan đến tình trạng ứ đọng rác thải đã không đạt kết quả. Đại diện Hepco cam kết thực hiện 8 điều để chống ô nhiễm, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường; sử dụng xe chuyên dùng; vận tốc chạy vào đường làng không quá 40km/giờ; công bố biển số của 5 xe vận chuyển; lượng rác nhập vào phải xử lý xong trong 24 giờ; xử lý nước bẩn, không để nước bẩn tràn ra môi trường...
Mặc dầu vậy, nhiều người dân vẫn tỏ ra “không tin” Hepco, bỏ về khi cuộc đối thoại chưa kết thúc và muốn đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã họp, chỉ đạo ngành chức năng quan trắc môi trường định kỳ và lập phương án tái định cư lâu dài cho những hộ dân ở cách nhà máy dưới 300m.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030 do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành ngày 23.6.2016, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2 khu xử lý rác lớn, tập trung, đặt tại xã Phú Sơn (TX.Hương Thủy) và xã Hương Bình (TX.Hương Trà), với kinh phí thực hiện công tác quy hoạch và quản lý khoảng 1.191 tỉ đồng. Trong đó, chi phí cho các khu liên hiệp xử lý tại Phú Sơn và Hương Bình khoảng 500 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện cả 2 khu xử lý này về cơ bản là vẫn... nằm trên giấy.
 

tin liên quan

Dân tiếp tục chặn không cho xe chở rác vào bãi xử lý
Suốt 1 tuần qua, việc thu gom và xử lý rác ở nhiều địa phương tại Thừa Thiên - Huế bị ngưng trệ hoàn toàn do bị người thôn Nam Phước (xã Lộc Thủy) bức xúc, chặn xe chở rác vào khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.