Để bảo vệ bản thân và gia đình trước loại virus cúm mùa có độc tính cao, các biện pháp giữ gìn vệ sinh, hạn chế tiếp xúc với các nguồn nghi nhiễm cúm là vô cùng cần thiết.
Diễn biến báo động của cúm A/H1N1
Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm A/H1N1 tương tự như cúm mùa nhưng hoành hành mạnh hơn vào mùa hè, có khả năng biến chứng dẫn đến suy đa tạng hoặc viêm phổi nặng, tỷ lệ gây tử vong tương đối cao ở cả người cao tuổi, người lớn và trẻ em, nhất là với những người có sức đề kháng yếu hoặc mắc một số bệnh nền khác. Đặc biệt, cúm A/H1N1 lây lan rất nhanh chóng và dễ dàng từ người sang người qua nhiều kênh, từ đường không khí, bề mặt vật dụng tiếp xúc nhiễm virus và sử dụng chung đồ đạc với bệnh nhân. Những triệu chứng dễ nhận biết nhất của cúm A/H1N1 là sốt cao trên 38 độ C, nhức mỏi cơ, suy nhược, đau họng, ho khan, sổ mũi, nhức đầu, tiêu chảy, ói mửa.
Tại Việt Nam, theo số liệu của hệ thống giám sát cúm quốc gia, trong những tháng đầu năm 2018, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20 - 50% trong số các chủng cúm mùa đang lưu hành. Riêng ở TP.HCM đã xuất hiện 2 chùm ca bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Từ Dũ, ghi nhận hơn 100 người bệnh phải nhập viện điều trị, cách ly; nguy hiểm hơn là đã có 3 người tử vong… Một số chùm ca nhiễm cúm A/H1N1 cũng đã xuất hiện tại các địa phương. Mới đây nhất, vào ngày 25.7, Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác điều trị, phòng, chống lây nhiễm cúm A/H1N1 trước diễn biến bất thường của dịch cúm.
Thói quen tốt để phòng ngừa nhiễm khuẩn
Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay số lượng người mắc cúm A/H1N1 đang chiếm đến một nửa các bệnh nhân mắc cúm mùa. Bên cạnh lây trực tiếp trong không khí khi bệnh nhân ho hay hắt hơi, việc tiếp xúc qua bàn tay với các đồ vật, bề mặt có dính nước mũi, nước bọt của người bệnh cũng làm lây lan bệnh. Ngoài tiêm vắc xin ngừa cúm mỗi năm và giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn là biện pháp rất đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa”. Đồng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Trường (Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) cũng nhấn mạnh: “Là một bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp và gián tiếp qua bàn tay, vì vậy để phòng tránh cúm A/H1N1 thì rửa tay với xà phòng diệt khuẩn là một biện pháp vừa đơn giản, ít tốn kém mà lại có hiệu quả bảo vệ cao”.
|
Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng trong thời điểm hoành hành của dịch cúm A/H1N1, Cục Y tế dự phòng đã đưa ra khuyến cáo, trong đó tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng… là điều đầu tiên và rất cần chú trọng. Bên cạnh đó, để hạn chế gánh nặng của dịch cúm, Cục Y tế dự phòng kết hợp cùng Quỹ Unilever, nhãn hàng Lifebuoy tích cực tổ chức những chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức phòng bệnh cho cộng đồng như “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh”, “Giữ đôi bàn tay sạch vì một thế hệ tương lai”...
|
7 khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) để phòng cúm A/H1N1:
1. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
2. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
3. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
4. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
5. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.
6. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
7. Không tự ý sử dụng thuốc mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
|
Bình luận (0)