Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25.2 tuyên bố Trung Quốc “thật sự” cần những “vũ khí phòng vệ” trên Biển Đông để đối phó với tiến trình quân sự hóa do Mỹ kích ngòi.
Lính Trung Quốc trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi đang bị Bắc Kinh chiếm đóng - Ảnh: Reuters |
“Mỹ mới thật sự là kẻ xúc tiến quân sự hóa ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói trong buổi họp báo ngày 25.2.
Ông Ngô còn ngang ngược nói rằng: “Việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự trên những đảo, đá ở Biển Đông là thật sự cần thiết”, ám chỉ những đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và những đảo bị Trung Quốc chiếm phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông Ngô còn nói Trung Quốc có thể triển khai bất kỳ “vũ khí phòng vệ” nào ở Biển Đông.
Nhiều người bị “hoa mắt” vì truyền thông Mỹ liên tục dựng chuyện về những khí tài quân sự Trung Quốc triển khai ở Biển Đông, ông Ngô tuyên bố. “Lúc thì hệ thống tên lửa phòng không, lúc lại là radar quân sự, rồi đủ loại máy bay - ai biết được ngày mai truyền thông Mỹ sẽ vẽ thêm những loại vũ khí gì khác”, theo lời ông Ngô.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông giống như nước này từng làm ở biển Hoa Đông hay không, ông Ngô nói việc này còn tùy thuộc vào "mức độ đe dọa" mà Trung Quốc phải đối mặt. “Có nhiều yếu tố cần phải cân nhắc”, ông ta cho biết.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc triển khai phi pháp đến đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của VN) - Ảnh: 81.cn
|
Từ tháng 10.2015 đến nay, Hải quân Mỹ đã hai lần điều tàu chiến áp sát các đảo, đá mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, theo AFP.
Phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 24.2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris cho biết quân đội Mỹ “có thể cân nhắc triển khai thêm một tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục lớp Zumwalt hiện đại nhất (có thể tránh radar và được trang bị tên lửa dẫn đường cũng như pháo bắn bằng điện từ trường) đến vùng Tây Thái Bình Dương để đối phó với những động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh công bố trong tuần này cho thấy Trung Quốc đã đặt các trạm radar trên những đảo nhân tạo xây phi pháp ở Trường Sa. Trung Quốc còn triển khai hệ thống tên lửa đất đối không và mở rộng đường băng để phục vụ các chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa. “Mục đích của Trung Quốc chắc chắn là quân sự hóa Biển Đông”, ông Harris nói.
Phản bác lại điều này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng ông Harris có những tuyên bố trên là chỉ nhằm xin tăng thêm ngân sách quốc phòng.
Cũng trong ngày 25.2, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi”.
“Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình nói.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình cho biết thêm.
Theo TTXVN
|
Bình luận (0)