Cùng với luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đây là 1 trong 2 dự án luật phải phát phiếu lấy ý kiến đại biểu tại kỳ họp này, vì còn quá nhiều ý kiến khác nhau.
Tuy nhiên, đến lúc biểu quyết, vẫn có 33 đại biểu Quốc hội không tán thành thông qua luật, 12 đại biểu Quốc hội không biểu quyết.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại các phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị không lập quy hoạch xây dựng tỉnh vì nội dung, mức độ chi tiết của quy hoạch này đã trùng với quy hoạch tỉnh tại luật Quy hoạch.
Một số ý kiến khác đề nghị cần có quy hoạch xây dựng tỉnh với tính chất là quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh và là công cụ quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Do đây là vấn đề mới và còn nhiều ý kiến khác nhau, nên "để bảo đảm thận trọng, khách quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu".
Kết quả, có 217/469 phiếu (46,26%) đồng ý giữ quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh; 251/469 phiếu (53,51%) đồng ý phương án quy hoạch xây dựng tỉnh được tích hợp trong quy hoạch tỉnh để bảo đảm sự đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Sau khi xem xét toàn diện và trên cơ sở kết quả lấy phiếu xin ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý khoản 2 điều 28 dự thảo luật (sửa đổi điều 13 luật Xây dựng) theo hướng không tiếp tục lập quy hoạch xây dựng tỉnh, mà tích hợp nội dung này vào quy hoạch tỉnh để bảo đảm không trái với các nguyên tắc xây dựng luật và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, nội dung của Quy hoạch tỉnh được quy định tại điều 27 của luật Quy hoạch “bảo đảm đủ căn cứ để quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh”.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt theo pháp luật về xây dựng vẫn được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch.
Thành phố trực thuộc T.Ư vẫn có 2 quy hoạch
Ngoài quy hoạch tỉnh đã được bỏ, quy hoạch chung thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục được giữ, với lý do không trùng lặp với nội dung quy hoạch tỉnh và phù hợp với luật Quy hoạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên thực tiễn, các thành phố trực thuộc T.Ư có vai trò động lực phát triển đối với các vùng và cả nước, có mật độ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa rất cao, khối lượng đầu tư xây dựng lớn.
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc T.Ư đã tổ chức lập quy hoạch chung đô thị và được Thủ tướng phê duyệt làm cơ sở để quản lý, đầu tư phát triển đô thị.
Do vậy, việc tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung theo quy định của luật Quy hoạch đô thị sẽ bảo đảm các đô thị này phát triển hiệu quả, bền vững, đồng bộ. Với lý do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về quy hoạch chung thành phố trực thuộc T.Ư tại luật Quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, theo quy định của luật Quy hoạch thì Quy hoạch tỉnh cũng được lập ở thành phố trực thuộc T.Ư. Do đó, cần xác định rõ mối quan hệ giữa 2 quy hoạch cùng cấp đều điều chỉnh về tổ chức không gian đô thị này, tránh chồng chéo, lãng phí, mâu thuẫn về nội dung giữa 2 quy hoạch; bảo đảm khai thác hiệu quả các nguồn lực trong triển khai thực hiện; đáp ứng yêu cầu quản lý, xây dựng và phát triển đô thị, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các thành phố trực thuộc T.Ư.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định tại khoản 3 điều 29 dự luật (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 điều 18 luật Quy hoạch đô thị) như sau: Quy hoạch chung thành phố trực thuộc T.Ư cụ thể hóa quy hoạch tỉnh được lập ở thành phố trực thuộc T.Ư về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho thành phố trực thuộc T.Ư.
Bình luận (0)