Bỏ sàn phí môi giới chứng khoán, nhà đầu tư VIP có lợi

Mai Phương
Mai Phương
08/01/2019 06:57 GMT+7

Theo quy định tại Thông tư 128/2018 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15.2, phí môi giới giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tối đa là 0,5% giá trị giao dịch.

So với quy định hiện tại, Bộ Tài chính sẽ không còn áp giá sàn phí này là 0,15% giá trị giao dịch như hiện nay.

Phí môi giới cổ phiếu sẽ giảm?

Mức phí giao dịch cổ phiếu (CP) được nhiều công ty áp dụng phổ biến từ 0,25 - 0,4% giá trị giao dịch, một số khách hàng lớn được áp dụng mức phí thấp hơn, từ 0,15 - 0,2%. Năm 2018, giá trị giao dịch bình quân CP và chứng chỉ quỹ gần 6.603 tỉ đồng/phiên, nếu tính phí giao dịch ở mức trung bình 0,25% thì số phí các công ty chứng khoán (CTCK) thu được 16,5 tỉ đồng/phiên, 360 tỉ đồng/tháng. Nếu phí giao dịch giảm thêm 0,05% thì mỗi phiên, các nhà đầu tư sẽ giảm được hơn 3,3 tỉ đồng hay tương đương giảm được hơn 72 tỉ đồng mỗi tháng và hàng ngàn tỉ mỗi năm.
Thế nhưng, ông Trương Duy Khiêm, Công ty chứng khoán ACBS, cho biết hiện tại chưa thấy có dấu hiệu gì về việc giảm phí này. Nếu có, công ty sẽ chạy đua giảm cho nhóm khách hàng lớn hay còn gọi là khách “VIP” vì đây cũng là đối tượng luôn được săn đón. Theo ông Khiêm, trước đây các công ty chứng khoán nhỏ đã bị “chặn” ở mức sàn phí môi giới là 0,15% nhưng hầu hết đều có chính sách riêng dành cho khách “VIP”. Trong đó, đa số thường áp dụng mức chi hoa hồng khoảng 20% trên phí giao dịch. Ví dụ, một khách hàng lớn giao dịch trong quý với số tiền khoảng 100 tỉ đồng, mức phí phải nộp là 150 triệu đồng nhưng sau đó, khách hàng sẽ nhận lại được là 30 triệu đồng. Như vậy đây cũng là một cách giảm phí giao dịch nhưng không chính thức.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Everest, phân tích: quy định bỏ mức sàn phí giao dịch CP sẽ là một cách hợp thức hóa các chiêu thu hút khách hàng lớn ở nhiều CTCK hiện đang ở mức hoa hồng. Còn xét chung về mặt bằng phí giao dịch, có thể sẽ không thay đổi nhiều và thậm chí cũng không giảm.

Phí môi giới vẫn là nguồn thu lớn

Thực tế, doanh thu của các CTCK đến từ phí môi giới chứng khoán vẫn chiếm phần lớn. Ví dụ, theo báo cáo của SSI, từ tháng 1 - 9.2018, doanh thu từ dịch vụ môi giới chứng khoán đạt 932,7 tỉ đồng, chiếm 34% tổng doanh thu (phí môi giới này bao gồm cả hoạt động trái phiếu). Là nguồn thu lớn nên các CTCK vẫn chạy đua thu hút khách hàng, làm mọi cách để tăng thị phần giao dịch. Do đó, việc bỏ áp sàn phí được dự báo sẽ dẫn đến cuộc chạy đua cạnh tranh về phí môi giới trong thời gian tới. Đặc biệt, các khách hàng “VIP” có thể sẽ được tự do thỏa thuận về phí giao dịch với các CTCK.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, khi thị trường chứng khoán mới ra đời, cơ quan quản lý nhà nước cũng không áp giá sàn về phí môi giới. Khi đó, đã có hiện tượng chạy đua cạnh tranh hút khách hàng, chiếm thị phần khiến thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất an toàn. Vì vậy sau đó mới phải áp giá sàn phí môi giới nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Do đó nếu dỡ bỏ giá sàn phí giao dịch CP, có thể tái diễn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. "Nên chăng cùng với việc bỏ quy định giá sàn phí môi giới CP, Bộ Tài chính cần xem xét giảm bớt mức phí môi giới mà các CTCK phải nộp cho sở giao dịch chứng khoán là 0,03%. Khi đó, các CTCK có thể mạnh dạn giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư. Từ đó cũng góp phần khuyến khích nhà đầu tư tham gia giao dịch, tăng thanh khoản cho thị trường", ông Hải đề xuất.
Phí không phải là yếu tố quyết định
Ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích: “Bản thân nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng vì không nên chạy đua về mức phí môi giới mà bỏ qua các yếu tố khác của một CTCK. Đặc biệt là các vấn đề như quản lý tài khoản CP và tiền minh bạch, hệ thống mạng đảm bảo an toàn an ninh để giao dịch thông suốt”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.