Năm 2004, vợ chồng tôi được cấp sổ đỏ với diện tích 2.000 m2 đất. Trong sổ đỏ ghi cấp cho "hộ" mang tên của cả hai vợ chồng. Hiện nay nhà nước quy định bỏ sổ hộ khẩu, tôi muốn hỏi khi công chứng mua bán đất có ảnh hưởng gì không, thủ tục ra sao?
Bạn đọc Lê Nghĩa (Đắk Lắk) thắc mắc với Báo Thanh Niên.
Chuyên gia tư vấn
Đại diện Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Diễm Phương (ở Long An) tư vấn, tại khoản 29 điều 3 luật Đất đai quy định: "Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất".
Sổ hộ khẩu chỉ là một trong những giấy tờ cần thiết, có yếu tố chứng minh số lượng nhân khẩu tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Từ đó, công chứng viên có cơ sở để xác định người có quyền sử dụng đất trong hộ.
Trên thực tiễn, ngoài sổ hộ khẩu thì công chứng viên có thể sử dụng những loại giấy tờ khác để chứng minh thành viên hộ có quyền sử dụng đất như: quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất của Nhà nước; quyết định hỗ trợ tái định cư; xác nhận của UBND nơi có đất…
Nếu xét thấy cần thiết thì công chứng viên sẽ hướng dẫn bạn liên hệ với công an để yêu cầu xác nhận thành viên trong hộ tại thời điểm cấp giấy chứng nhận.
Để xác định nguồn gốc đất vợ chồng bạn có được là do nhận tặng cho hay là đất cấp cho hộ, bạn nên liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai để yêu cầu cung cấp thông tin dữ liệu.
Trong trường hợp, vợ chồng bạn có được đất là do nhận tặng cho nhưng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại cấp cho hộ, thì cần thực hiện thủ tục đính chính thông tin chủ sở hữu trên giấy chứng nhận (điều 106 luật Đất đai).
Bình luận (0)