Theo tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về yêu cầu thiết kế đường cao tốc, ở các đường cao tốc phải xây dựng các trạm dừng nghỉ cho người tham gia giao thông sử dụng. Trong khoảng từ 15 - 25 km nên xây dựng một trạm dừng nghỉ bên ngoài phạm vi lề đường để các xe có thể đổ xăng hoặc nghỉ ngơi. Trong khoảng từ 50 - 60 km nên có một trạm phục vụ kỹ thuật (như cấp xăng, dầu, sửa chữa máy đơn giản, nghỉ ngơi dừng xe, ăn, có nơi nghỉ ngơi, vệ sinh). Khoảng cách từ 120 - 200 km nên xây dựng một trạm phục vụ lớn (sửa chữa khắc phục các vấn đề của phương tiện đi lại như thay xăng dầu, sửa chữa khi phương tiện gặp vấn đề, có nơi ăn uống, ngủ nghỉ và vệ sinh).
Phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau với khoảng cách trung bình 59 km có 1 trạm, quan điểm của Bộ GTVT là thực hiện đấu thầu, kêu gọi xã hội hóa hạng mục này với định hướng: trạm dừng nghỉ không chỉ còn là nơi để tài xế và hành khách ghé vào đi vệ sinh, dừng chân, ăn uống… mà còn phải tính toán tới các khu vực phục vụ hoạt động kinh doanh như trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí…
Hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng các trạm dừng nghỉ chuyên nghiệp, bài bản, song chuyên gia cầu đường Vũ Đức Thắng lưu ý có một yếu tố rất quan trọng chưa được đặt ra, đó là khu vực cấp cứu, sơ cứu y tế tại các trạm dừng nghỉ trên cao tốc.
Theo ông Thắng, tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến cao tốc đều gây hậu quả rất nghiêm trọng. Con số thương vong chỉ có thể được giảm thiểu nếu công tác cấp cứu ban đầu được thực hiện kịp thời. Ngành y tế trên thế giới đã định nghĩa khái niệm "giờ vàng", nghĩa là trong vòng giờ đầu tiên nếu người bị tai nạn giao thông được cấp cứu kịp thời sẽ tăng khả năng được cứu sống và giảm mức độ nghiêm trọng của chấn thương rất nhiều. Nghiên cứu của cộng đồng châu Âu cũng chỉ ra nếu được cấp cứu kịp thời và sớm, đủ tiêu chuẩn thì có thể giảm tỷ lệ tử vong tới 25% đối với nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Trong khi đó, ở VN hiện nay đa phần cao tốc đều đi qua các khu vực xa khu dân cư, vắng người, xa bệnh viện nên khi có tai nạn, số phận nạn nhân thường phụ thuộc vào may rủi. Nếu được đưa đến bệnh viện sớm 1 - 2 phút có thể cứu được cả mạng người.
"Hạng mục trạm dừng nghỉ vốn nằm trong kết cấu hạ tầng kỹ thuật của đường cao tốc giống như đường sắt phải có nhà ga, nhưng để tiết kiệm ngân sách, ngành giao thông đã tách thành các dự án riêng để xã hội hóa. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chỉ quá quan tâm đến khía cạnh kinh doanh, làm sao đủ hấp dẫn, có lời để DN tham gia đầu tư. Cần đặc biệt chú trọng các yếu tố cơ bản về hoạt động kỹ thuật của phương tiện như bảo dưỡng, bán phụ tùng, khám - sửa chữa máy móc cho xe và nhất là trạm y tế có bố trí các nhân viên y tế đủ năng lực về chuyên môn túc trực 24/7. Đây mới là công năng khởi nguồn và quan trọng nhất của các trạm dừng nghỉ trên cao tốc", ông Vũ Đức Thắng nhấn mạnh.
Xây trạm dừng nghỉ cho 8 tuyến cao tốc Bắc – Nam
Có thể chỉ định thầu để làm nhanh
Hiện nay, 26 trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đã được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia đầu tư theo hình thức đấu thầu. Trước mắt, các đơn vị của Bộ GTVT kêu gọi đầu tư đối với 8 trạm dừng nghỉ trên các dự án cao tốc thành phần thuộc giai đoạn 1 đã và sắp đưa vào sử dụng. Với thời gian triển khai dự kiến từ 12 - 17 tháng thì nhanh nhất cũng phải tới cuối năm 2024 một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam mới được "xóa trắng" trạm dừng nghỉ.
PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, cho rằng đầu tiên cần phân loại các tuyến cao tốc đã đưa vào sử dụng và đang trở thành "điểm nóng" bức xúc vì thiếu trạm dừng nghỉ để ưu tiên triển khai trước. Trong đó, thủ tục về trình tự đầu tư xây dựng công trình cơ bản không thể bỏ qua được nhưng các thủ tục hành chính trong khâu xét tuyển, mời thầu, tiêu chí… thì có thể đẩy nhanh để rút ngắn thời gian, làm càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, các trạm dừng nghỉ ưu tiên có 2 loại hình tổ chức. Đối với các công trình thực hiện bằng vốn ngân sách theo hình thức đầu tư công, Bộ GTVT có thể kết hợp với địa phương để chỉ định thầu, lựa chọn đơn vị có uy tín làm nhanh, thay vì chờ đấu thầu kéo dài thời gian. Trường hợp các tuyến cao tốc thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT) thì trong luật Giao thông đường bộ có quy định nhà đầu tư tuyến đường được quyền đầu tư các công trình đi theo tuyến, trong đó có trạm dừng nghỉ.
Như vậy, có thể xem xét năng lực của các DN đầu tư xây dựng tuyến đường, hạng mục nằm trong địa phận dự án thì giao trực tiếp cho họ thực hiện, không cần đấu thầu. Quan trọng nhất là quy hoạch và quy chuẩn các trạm dừng nghỉ đã được Bộ phê duyệt, chỉ cần đánh giá năng lực DN và kiểm soát tiến độ thực hiện dự án thì có thể chỉ định thầu.
"Về nguyên tắc, trạm dừng nghỉ là công trình độc lập. Nhà thầu thi công làm đường chuyên về công trình giao thông, trong khi đơn vị đầu tư trạm dừng nghỉ thuộc về xây dựng công trình dân dụng nên đòi hỏi cần đồng bộ để thực hiện cùng nhịp. Nếu có thể tổ chức thực hiện theo hình thức O&M (Nhà nước làm đường cao tốc, sau đó nhượng quyền vận hành (bao gồm việc thu phí và thực hiện bảo trì) cho nhà đầu tư tư nhân) thì thuận lợi nhất. Nhà đầu tư được lựa chọn ngay từ đầu có thể đầu tư tuyến đường và chọn nhà thầu làm các trạm dừng nghỉ, thành một gói đồng bộ", PGS-TS Trần Chủng góp ý.
Trạm dừng nghỉ có thể trở thành điểm nhấn của địa phương
PGS-TS Trần Chủng nêu đóng góp: Trạm dừng nghỉ phải đảm bảo tiêu chí và công năng cùng các không gian cần thiết, nhưng nên có thêm kiến trúc năng động, hấp dẫn, cuốn hút. Ngoài công năng phục vụ tài xế và hành khách, trạm dừng nghỉ có thể trở thành điểm nhấn của địa phương, quảng bá văn hóa, thúc đẩy tiêu thụ đặc sản và phát triển du lịch cho địa phương.
Bình luận (0)