Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Theo điều 12 của dự thảo luật, số thuế giá trị gia tăng phải nộp của hoạt động mua - bán, chế tác vàng, bạc, đá quý áp dụng theo phương pháp tính trực tiếp.
Giá trị gia tăng của hoạt động mua - bán, chế tác vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán bán ra trừ giá thanh toán mua vào. Nói cách khác, thuế giá trị gia tăng của hoạt động mua - bán, chế tác vàng, bạc, đá quý áp dụng với phần chênh lệch giá mua vào - bán ra nhân với thuế suất.
Mới đây, góp ý về quy định này, tỉnh Quảng Nam đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với doanh nghiệp có hoạt động mua - bán, chế tác vàng, bạc, đá quý.
Đồng thời, quy định mức tỷ lệ phần trăm trên doanh thu riêng đối với hoạt động kinh doanh mua - bán, chế tác vàng, bạc, đá quý (không áp dụng tỷ lệ của các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ).
Theo tỉnh Quảng Nam, vàng, bạc, đá quý là hàng hóa đặc biệt, vừa là hàng hóa, vừa là phương tiện thanh toán, rất khó kiểm soát giá. Các giao dịch mua - bán vàng, bạc, đá quý thường là các giao dịch nhỏ lẻ, không có đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào.
Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý giữa giá thanh toán bán ra với giá thanh toán mua vào tại một thời điểm mức chênh lệch không cao. Vì vậy, áp dụng phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng thì khó quản lý, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.
Tương tự, Cần Thơ cũng có kiến nghị nên quy định tính thuế đối với lĩnh vực này theo phương pháp trực tiếp theo doanh thu, hoặc theo phương pháp khoán thuế quy định tại luật Quản lý thuế.
Lý do Cần Thơ đưa ra là, thực tế trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc, đá quý (gọi tắt là vàng), cơ quan thuế chưa có biện pháp quản lý giá vốn mua vào vì người dân đến bán vàng thường không có hóa đơn, doanh nghiệp tự lập bảng kê theo giá thị trường để tính giá vốn mua vào tương ứng.
Giá mua vào này thường tiệm cận giá bán, dẫn đến giá trị tăng thêm thấp. Thuế giá trị gia tăng phải nộp trong trường hợp này không đúng thực tế, dẫn đến thất thu thuế và sai quy định về hóa đơn chứng từ để làm căn cứ ghi vào sổ sách kế toán.
Theo Cần Thơ, cần quy định bắt buộc đối tượng này phải thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.
Đáp lại các ý kiến góp ý của cả Quảng Nam và Cần Thơ, Bộ Tài chính nêu rõ: không có cơ sở để đưa ra mức tỷ lệ đối với hoạt động kinh doanh mua - bán, chế tác vàng, bạc, đá quý. Cạnh đó, doanh thu của hoạt động này rất lớn, theo đó, đề nghị giữ như dự thảo, không thay đổi.
Trước diễn biến giá vàng tăng "nóng" từ cuối năm 2023 đến nay, liên quan tới công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua - bán vàng, bạc, đá quý, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo tăng cường quản lý.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua - bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định. Trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng bạc, trang sức, mỹ nghệ.
Kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua - bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng...
Bình luận (0)