Luật Đầu tư 2014 được ban hành và có hiệu lực từ 1.7.2015, kèm đó là Nghị định 118/2015/NĐ-CP (NĐ118) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đã hoàn thiện và phân chia rất rõ đối tượng, lĩnh vực ngành nghề, vùng miền được hưởng ưu đãi đầu tư. Trong đó có quy định 2 điểm đáng chú ý về ưu đãi đầu tư. Thứ nhất, những trường hợp dự án đầu tư mới đồng thời đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì được chọn hưởng mức ưu đãi thuế TNDN có lợi nhất. Thứ hai, các dự án đầu tư được cấp phép trước 1.7.2015 (ngày luật đầu tư có hiệu lực) vẫn được hưởng ưu đãi theo quy định mới cho thời gian còn lại.
Bị cắt quyền ưu đãi thuế
Tuy nhiên, Thông tư 83 mà Bộ Tài chính ban hành ngày 17.6.2016 vừa vô hiệu hóa vừa cắt bớt các ưu đãi thuế mà lẽ ra DN được hưởng. Theo đó, các dự án đầu tư mới chỉ được hưởng ưu đãi khi đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của luật Thuế TNDN, nhưng không được hưởng ưu đãi nếu đáp ứng các điều kiện về ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định tại luật Đầu tư. Kế tiếp, chỉ ưu đãi đối với các dự án đầu tư được cấp phép từ ngày 1.7.2015, không ưu đãi đối với các dự án đầu tư được cấp phép trước đó, mà các dự án này thực hiện ưu đãi theo quy định của văn bản thời gian trước đó.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, các DN đang và sẽ chịu thiệt hại nặng về việc “cắt xén” này. Ông đưa ra ví dụ: công ty A thành lập ngày 1.9.2016 ngành dịch vụ phần mềm, chiếu theo quy định của Thông tư số 83 thì không được ưu đãi thuế TNDN, nhưng theo luật Đầu tư dịch vụ phần mềm được ưu đãi như sản xuất phần mềm, tức là được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong 15 năm. Trong đó 4 năm đầu được miễn thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, 2 năm còn lại chỉ phải đóng thuế TNDN 10%. Giả sử công ty A có lợi nhuận 1 tỉ đồng/năm thì theo luật đầu tư, trong 4 năm đầu được miễn thuế. 9 năm kế tiếp chỉ nộp thuế mỗi năm là 50 triệu đồng (1 tỉ đồng x 10% x 50%), tổng cộng 450 triệu đồng. 2 năm kế tiếp chỉ nộp thuế mỗi năm 100 triệu đồng (1 tỉ đồng x 10%). Như vậy, công ty chỉ nộp thuế tổng cộng 650 triệu đồng theo ưu đãi của luật Đầu tư thay vì nộp 3 tỉ đồng (200 triệu x 15 năm) theo Thông tư 83. Không chỉ phần mềm, nhiều ngành, nghề đặc biệt ưu đãi theo NĐ118 như xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế... cũng sẽ thiệt hại tương tự vì bị Bộ Tài chính cắt xén ưu đãi.
|
Trái luật “khá nghiêm trọng”
Theo luật sư Trần Xoa, việc tước bỏ quyền lợi ưu đãi thuế trong Thông tư 83 là khá nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi DN. Về nguyên tắc áp dụng pháp luật đầu tư, thì luật Đầu tư quy định lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư, còn Bộ Tài chính sẽ chỉ quy định mức ưu đãi cụ thể. “Thông tư 83 đi hướng dẫn luật nhưng lại hướng dẫn trái luật, mâu thuẫn và đi ngược với tinh thần luật Đầu tư”, ông phân tích. Theo ông, DN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do tình trạng “trên bảo dưới không nghe” như trên. DN không được hưởng những ưu đãi do chính sách khuyến khích đầu tư của nhà nước, của luật Đầu tư mang lại, nhân rộng ra cả nước thì mức thiệt hại rất lớn. Quan trọng hơn, việc cắt bỏ ưu đãi này là một trong những nguyên nhân làm DN yếu đi, làm giảm động lực, không khuyến khích DN đầu tư làm ra của cải, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và đóng thuế cho ngân sách. “Các nước đang trong xu hướng giảm thuế TNDN ở mức thuế thấp để khuyến khích ngày càng nhiều DN nộp thuế. Đây cũng là một cách nuôi dưỡng nguồn thu, chứ không tận dụng “cắt xén” quyền lợi ưu đãi thuế của DN”, luật sư Xoa nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quy định trái luật như trên đã gây ra hạn chế trong việc khuyến khích DN đầu tư, phát triển hoạt động, dự án mới. Theo quy định, DN có quyền được hưởng ưu đãi đầu tư có lợi nhất nếu có thay đổi văn bản pháp luật. Việc ban hành văn bản trái luật như trên không chỉ phản ánh năng lực còn hạn chế của người soạn thảo, mà còn tạo tình huống nguy hiểm, tước bỏ quyền lợi của DN khi đã được luật hóa. Trong trường hợp này, DN có quyền kiện và đòi bồi thường nếu không được hưởng ưu đãi. Việc đưa ra tòa phân xử cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của người soạn thảo văn bản, buộc họ phải tuân thủ luật, chịu những chế tài cụ thể và rõ ràng khi ban hành văn bản pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến 2020, trong đó quy định tất cả các giấy phép con, nếu không phải nghị định, đều phải bãi bỏ, cho thấy quyết tâm làm thông thoáng môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, cách làm của Bộ Tài chính qua Thông tư 83 lại đi ngược tinh thần này. “Đa số DN quay cuồng với hoạt động sản xuất, không nắm được văn bản pháp luật được ban hành với cả trăm quy định phức tạp. Vì vậy, DN bị thiệt hại quyền lợi nhưng không biết, hoặc không biết kêu ai lại gặp các quy định “đá” nhau như trên, làm sao DN yên ổn làm ăn và lớn lên được?”, ông Doanh nói.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty luật Basico, việc chế tài lỏng lẻo đã khiến tình trạng cơ quan ban hành văn bản nhưng lại không phải chịu trách nhiệm về nó, cũng như hiện chưa có cơ chế chế tài phải bồi thường hay hủy bỏ văn bản sai luật. “Người dân hay tổ chức chịu điều chỉnh hay ảnh hưởng của văn bản đó chỉ có cách đi kiện buộc văn bản phải bị hủy bỏ hay không áp dụng với họ, nhưng luật hiện nay cũng chưa cho phép kiện thông tư, nghị định, mà chỉ cho kiện cán bộ công chức có hành vi vi phạm. Cần có một chế tài cụ thể, rõ ràng thì mới “dẹp loạn” được các văn bản trái luật”, luật sư Đức phân tích.
|
Bình luận (0)