Bộ Tài chính họp riêng, ngoài giờ làm việc với đoàn Đại biểu TP.HCM

26/10/2017 19:40 GMT+7

Chiều 26.10, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp riêng ngoài giờ với các đại biểu Đoàn TP.HCM tìm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố.

Cuộc họp nhằm xin ý kiến các đại biểu về dự thảo lần 2, nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, ngay sau cuộc họp này, Bộ sẽ xin thêm ý kiến các Bộ, ngành, tiếp đó, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, dự thảo Nghị quyết sẽ có thể thông qua ngay tại kỳ họp này.

Được giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính đặc thù, theo Bộ trưởng Tài chính tinh thần chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để TP.HCM nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương để tập trung phát triển.

Trong đó, đáng chú ý nhất là các khoản thu tăng thêm, trước kia theo luật phải chia theo tỷ lệ, nhưng nay dự thảo sẽ để lại toàn bộ cho thành phố. Về hạn mức vay của chính quyền địa phương theo quy định của luật Ngân sách, TP.HCM được vay tối đa 60% số thu cân đối; trong Nghị định 48 của Chính phủ nâng lên 70%, song lần này Bộ Tài chính dự kiến đề xuất 90%.

Bên cạnh đó, các khoản thu từ tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất của cơ quan nhà nước, cơ quan quốc phòng an ninh trên địa bàn cũng sẽ được để lại cho TP.HCM… Bộ Tài chính dự định bổ sung nguồn vốn tăng thêm cho phần vốn đầu tư các dự án ODA vượt hạn mức…

“Làm sao để tập trung tốt nhất nguồn lực để TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất của nguồn nước, có đủ cơ chế, chính sách để phát triển”, ông Dũng khẳng định.

Tham dự cuộc họp, Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân hy vọng, các cơ chế tài chính đặc thù sẽ tháo gỡ được khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năng động, trung tâm kinh tế cả nước.

Trước đó theo báo cáo, TP.HCM hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu.

Hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của TP.HCM không khác gì so với các địa phương khác. Ngày 24.10, Bộ Chính trị đã công bố kết luận số 21-KL/TW về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2020.

Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,63 lần bình quân cả nước, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết 16 đề ra (1,5 lần); thu nhập bình quân đầu người đạt 5.122 USD/người, gấp 2,37 lần bình quân cả nước. Đặc biệt, thành phố đóng góp bình quân 27% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 21% GDP toàn quốc.

Về những hạn chế khi triển khai, nghị quyết nêu rõ chủ trương cho thí điểm các giải pháp và chính sách phù hợp với đặc thù của thành phố tuy đã được triển khai bước đầu (mô hình chính quyền đô thị; lập Sở Du lịch, thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm)… nhưng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính đột phá, kết quả chưa rõ nét.

Về chủ trương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho giai đoạn 2017 - 2020 không tăng mà còn bị giảm. Việc tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất, nhập khẩu chưa được thực hiện; nguồn vốn hỗ trợ cho thành phố đối với các chương trình mục tiêu, ngoài nguồn vốn ODA cho các dự án trọng điểm, không đáng kể; chưa thực hiện được chủ trương tiếp tục phân cấp nhiều hơn cho thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.