Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng

18/06/2024 17:20 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, đánh giá cụ thể về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng, nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 2/2024 của Bộ Tài chính chiều nay 18.6, nội dung xung quanh việc áp dụng hóa đơn điện tử trong mua bán vàng, đề xuất đánh thuế giao dịch vàng nhận được khá nhiều sự quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, đánh giá cụ thể về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng.

Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng- Ảnh 1.

Toàn cảnh họp báo

ĐT

"Khi đưa thêm sắc thuế mới, Bộ Tài chính phải có đánh giá toàn diện về tác động, tính khả thi chứ không chỉ tác động trực tiếp của giao dịch vàng. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đề xuất, nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền", ông Chi nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp mới đây của Ngân hàng Nhà nước để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhiều chuyên gia đưa ra đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng.

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.

Biến động vàng ngày 18.6: Giá vàng bất động

Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.

Theo bà Mùi, giải pháp trên cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tích thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào. "Trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ, đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng", ông Phước nói.

Tại họp báo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh thông tin, thời quan qua, cơ quan thuế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra thị trường vàng. Hiện nay, cả nước có 38 đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng SJC.

Cơ quan thuế cử cán bộ tham gia thanh tra, khai thác số liệu nộp thuế, áp dụng hóa đơn điện tử của 16 đơn vị kinh doanh vàng SJC. Cả nước có 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý. Hiện nay đang trong quá trình thanh tra.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua bán vàng.

Đề cập tới khía cạnh Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế: "Hiện nay, thông thường người dân mang nhiều tiền mặt đến các cửa hàng đều có thể mua được vàng. Tới đây, chúng tôi kiến nghị hoạt động mua bán vàng không dùng tiền mặt, cần thanh toán qua tài khoản".

Phải bỏ độc quyền nhập khẩu vàng

Thời gian qua, để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp như đấu thầu vàng, bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng- Ảnh 2.

Ngày 18.6, giá bán vàng miếng trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước vẫn là 75,98 triệu đồng/lượng

NGỌC THẮNG

Căn cứ phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, giá bán vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước ngày 18.6 vẫn là 75,98 triệu đồng/lượng.

Đây là ngày thứ 9 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá bán vàng miếng ra thị trường trong 12 ngày bán vàng ra thị trường (từ 3.6).

Như thường lệ, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC duy trì mức bán ra cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá Ngân hàng Nhà nước bán ra.

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, qua đó kéo giá từ mức đỉnh điểm 92 triệu đồng/lượng xuống gần 77 triệu đồng/lượng là động thái rất tích cực.

Thời gian tới, nên mở rộng quy mô bán vàng bình ổn trên cả nước chứ không chỉ tập trung ở các thành phố lớn.

Về lâu dài, theo ông Hiếu cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác, giải pháp ổn định thị trường vàng vẫn phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. "Để có thị trường vàng bình ổn và phát triển, 2 quy định cần thay đổi, một là độc quyền vàng SJC và hai là độc quyền nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước", ông Hiếu nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.