Bộ Tài chính phản hồi Bộ Công thương về chi phí kinh doanh xăng dầu

21/10/2022 16:04 GMT+7

Bộ Tài chính phản hồi Bộ Công thương, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu báo cáo về chi phí vận chuyển và các chi phí khác trong kinh doanh xăng dầu. Qua đó, Bộ Tài chính sẽ xem xét điều chỉnh trong trường hợp có biến động bất thường.

Ngày 21.10, Bộ Tài chính đã có thông tin phản hồi văn bản 6436/BCT-TTTN ngày 18.10 của Bộ Công thương đề nghị tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức... theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở cũng như kiến nghị của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối báo cáo về các chi phí kinh doanh xăng dầu

Phan Hậu

Xăng tăng giá, nhiều cửa hàng ở TP.HCM vẫn không có hàng để bán

Bộ Tài chính khẳng định, việc rà soát điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong năm 2022 đã được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 và Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18.11.2021.

Cụ thể, đối với chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Bộ Tài chính đã rà soát điều chỉnh 2 lần (lần 1 ngày 10.1 và lần 2 ngày 10.7) theo đúng báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Bộ Tài chính cũng thông báo 2 lần (lần 1 ngày 10.1 và lần 2 ngày 10.7) điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng theo thực tế báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Đối với khoản chi phí kinh doanh định mức, Bộ Tài chính đã có thông báo điều chỉnh từ ngày 1.7 theo các số liệu thực tế trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được kiểm toán.

Đối với khoản lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18.11.2021 lợi nhuận định mức tối đa được áp dụng trong công thức giá cơ sở xăng dầu là 300 đồng/lít, kg. Các yếu tố cấu thành giá đã được phản ánh đầy đủ từ giá nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông, bán hàng và các khoản chi phí về thuế; yếu tố lợi nhuận định mức để đảm bảo nguyên tắc hoạt động kinh doanh, cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu. Lợi nhuận thực tế trong kinh doanh xăng dầu phụ thuộc vào kết quả hoạt động của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trả lời văn bản của Bộ Công thương, Bộ Tài chính khẳng định đã thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh theo thực tế phát sinh trên cơ sở rà soát số liệu có kiểm chứng tại doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho rằng, để có cơ sở rà soát đánh giá các khoản chi phí định mức theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1.11.2021 và Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18.11.2021, trong ngày 21.10, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, các khoản chi phí kinh doanh xăng dầu.

Chiều 21.10: Xăng dầu đồng loạt tăng từ 200 - 340 đồng mỗi lít

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể, và có đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí trên sau khi đã được điều chỉnh để có cơ sở triển khai thực hiện theo quy định. Các văn bản báo cáo của doanh nghiệp, đánh giá từ Bộ Công thương gửi về Bộ Tài chính trước ngày 25.10.

Trên cơ sở đánh giá của Bộ Công thương, báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, số liệu khảo sát kiểm chứng thực tế, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công thương rà soát đánh giá, để xem xét điều chỉnh các khoản chi phí kinh doanh xăng dầu trong trường hợp có biến động bất thường theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.