Bó tay khi “Tây” vi phạm giao thông

28/04/2011 00:18 GMT+7

Dù nói được tiếng Anh, thậm chí tiếng Việt, nhưng mỗi khi bị cảnh sát giao thông (CSGT) dừng phương tiện để kiểm tra, khách "Tây" liền xổ một tràng ngoại ngữ xa lạ. Thế là CSGT cho đi vì... bất đồng ngôn ngữ.

Ở những địa bàn thu hút du lịch như Mũi Né (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… hình ảnh “Tây” mặt mày đỏ bừng, cưỡi xe gắn máy không đội nón bảo hiểm... vi vu khắp nẻo đường diễn ra rất phổ biến.

Tha hồ vi phạm

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi theo chân lực lượng CSGT kiểm tra một số tuyến đường thuộc khu vực Mũi Né. Trong số 10 xe mô tô mà du khách nước ngoài lưu thông trên đường bị dừng kiểm tra, có đến 9 trường hợp vi phạm luật giao thông. Trong đó, 6 trường hợp không mang bất kỳ giấy tờ gì, 2 trường hợp không đội mũ bảo hiểm và 1 trường hợp sử dụng giấy phép lái xe không hợp pháp… Thiếu úy Nguyễn Lưu Trung, trực tiếp kiểm tra các du khách, bộc bạch: “Người nước ngoài sử dụng xe gắn máy ở Mũi Né rất đông, nhưng thường xuyên vi phạm giao thông như không mang giấy tờ xe (thuê) hoặc bằng lái. Trong khi đó, lực lượng CSGT mỏng, bất đồng ngôn ngữ nên hầu hết đều cho qua”.

 
CSGT kiểm tra du khách nước ngoài tham gia giao thông tại Mũi Né - Ảnh: Q.Hà

Khi đến Công an phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, thiếu úy Trung ghé giải quyết vụ tai nạn giao thông xảy ra từ tối hôm trước. Chuyện là một du khách người Úc đi chiếc xe Honda 67 “cà tàng” chở theo một cánh diều dài đến hơn 2 mét, theo hướng từ Phan Thiết ra Mũi Né. Khi đến khu vực phường Hàm Tiến va vào xe máy của anh Bùi Sanh (công nhân du lịch) lưu thông theo chiều ngược lại khiến cả hai xây xát nhẹ (chảy máu chân tay) và hư xe. Dù gia đình anh Sanh yêu cầu người  Úc này bồi thường 1 triệu đồng để sửa xe, nhưng anh ta nói “không có tiền”. Theo vận động của công an, anh Bùi Sanh chấp nhận ký biên bản… “huề vốn” cho ông "Tây ba lô" kia đi.

Trung tá Đinh Công Minh, cán bộ chuyên xử lý TNGT của Công an Phan Thiết, nói: “Từ Tết Nguyên đán đến nay có 6 vụ TNGT khá nghiêm trọng có yếu tố người nước ngoài. Phần lớn là họ gây tai nạn vào ban đêm, sau khi đã say rượu”. Điển hình như 5 giờ sáng ngày 2.4.2011, sau khi nhậu say, Suya Kant (Nga)  tông vào xe taxi Mai Linh, khiến người phụ nữ ngồi sau chấn thương sọ não. Hay 2 giờ sáng 16.2.2011,  Lukes Erilason (19  tuổi, Pháp) chở theo Morilovce (Nga) va vào một người nước ngoài khác, khiến cả ba chấn thương đầu rất nặng. Lúc đó Lukes Erilason đã quá say rượu.

Tại Vũng Tàu, tình trạng khách nước ngoài vi phạm giao thông cũng rất phổ biến. Vào tối 19.4, PV Thanh Niên chứng kiến lực lượng CSGT dừng phương tiện của một du khách không đội nón bảo hiểm, nồng nặc mùi bia rượu. Khách cho biết tên Darryl Micheal Fletchet (SN 1972, Úc) và liên tục gọi điện thoại cho một cô gái người Việt Nam mang giấy tờ xe ra trình CSGT. Sau khi trình giấy tờ xe, CSGT chỉ cảnh cáo du khách này rồi cho đi thay vì xử phạt.    

Trước đó, chúng tôi chứng kiến một trường hợp người nước ngoài chạy xe máy không đội nón bảo hiểm nên bị CSGT Vũng Tàu lập biên bản vi phạm. Khi tiếp xúc với lực lượng CSGT, người vi phạm nồng nặc mùi bia rượu, tỏ ra bất hợp tác, ngồi trên xe chỉ ra dấu bằng tay và xổ tiếng nước ngoài rất khó hiểu (không phải tiếng Anh). Đến khi bị CSGT lập biên bản vi phạm, người này bất ngờ chửi đổng một tràng... tiếng Việt rất thô tục.

Bất đồng ngôn ngữ

Tại Vũng Tàu, vào thời điểm mà nhà hàng, quán bar đã bắt đầu đóng cửa (1-2 giờ sáng), nhiều du khách ra đường và bắt đầu… quậy. Họ thường sử dụng xe mô tô phân khối lớn chạy với tốc độ nhanh, nẹt pô xe gây náo loạn. Tuy nhiên, việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Trung tá Trịnh Văn Phương, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Vũng Tàu, cho biết: “Khi lập biên bản xử phạt người nước ngoài vi phạm giao thông, một số anh em không biết tiếng Anh nên chỉ ra dấu lỗi vi phạm rồi chỉ tay vào mức tiền phạt. Nhiều người vi phạm giả vờ không hiểu nhằm gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ. Cũng có nhiều người nước ngoài ở Vũng Tàu lâu năm nói và viết được tiếng Việt, nhưng khi bị CSGT thổi phạt thì cứ nói bằng ngôn ngữ của nước mình để  làm nản lòng lực lượng làm nhiệm vụ".

Bên cạnh đó, việc du khách nước ngoài vi phạm giao thông cũng có trách nhiệm của những tiệm cho thuê xe gắn máy. Chỉ cần có giới thiệu của khu nghỉ mát (hay khách sạn) nơi du khách tạm trú hoặc có hộ chiếu trình ra là du khách có thể thuê chiếc xe máy. Tại một tiệm cho thuê xe ở gần ngay UBND phường Hàm Tiến (Phan Thiết), hàng loạt xe gắn máy được treo bảng cho thuê (xe tay ga đời mới giá 200.000 đồng/ngày, xe cũ thì giá rẻ hơn). Nhiều du khách chỉ cần đưa giấy giới thiệu của khách sạn là vô tư lấy xe, mà không cần phải đưa giấy phép lái xe cho chủ tiệm kiểm chứng. 

Kinh nghiệm TP.HCM

Trao đổi về công tác chuẩn bị trong việc xử lý người nước ngoài vi phạm luật giao thông, trung tá Trần Thanh Trà, Phó phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM, cho biết cách đây vài năm, phòng đã thành lập một tổ khoảng 5 cán bộ, chiến sĩ có bằng cử nhân Anh văn để tham gia tuần tra kiểm soát xử lý người nước ngoài vi phạm. Lực lượng này phần lớn tập trung tuần tra kiểm soát xử lý tại một số tuyến đường trung tâm thành phố. Vào ngày cao điểm, tổ tuần tra có thể xử lý vài chục trường hợp. Phòng cũng đã tổ chức nhiều lớp học tiếng Anh, đào tạo hàng trăm cán bộ chiến sĩ CSGT thuộc các đội CSGT để sau này tham gia xử lý người nước ngoài vi phạm. Đến nay, mỗi đội CSGT của phòng có hơn 10 cán bộ chiến sĩ có đủ vốn tiếng Anh để giao tiếp, lập biên bản xử phạt. Trung tá Nguyễn Ngọc Loan, Trưởng đội CSGT Bến Thành, cho biết thêm: “Trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu lực lượng CSGT của đội phát hiện người điều khiển phương tiện, kể cả người nước ngoài đều xử lý nghiêm. Trước đây, tại khu phố Tây (Q.1), người nước ngoài hay vi phạm nhưng kể từ ngày Phòng, Đội tổ chức xử lý nghiêm thì tình trạng vi phạm giảm hẳn so với trước”.      

Đàm Huy

Quế Hà - Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.