“Bó tay” vì thiếu luật

04/05/2013 03:16 GMT+7

Trên thực tế, chuyện lùm xùm giữa hai nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) CMC và FPT không phải là vấn đề gì mới đối với thị trường viễn thông Việt Nam. Việc những nhà mạng nhỏ bị gây khó dễ khi kết nối với các nhà mạng lớn đã xảy ra trong lĩnh vực di động khi thị trường viễn thông bước vào thời kỳ phá thế độc quyền, Viettel từng là nạn nhân.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, thị phần dịch vụ internet của CMC hiện chỉ chiếm khoảng  4% trong khi FPT chiếm khoảng 13%. Hai ông lớn còn lại là VNPT (khoảng 60%) và Viettel (khoảng 20%). Theo quy định hiện hành, các ISP có quyền kết nối mạng của mình với mạng của ISP khác, có nghĩa vụ để các doanh nghiệp khác kết nối vào mạng của mình cũng như có quyền kết nối trực tiếp với nhau trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các bên. Ngoài việc kết nối trực tiếp, các ISP còn kết nối qua Hệ thống trạm trung chuyển lưu lượng internet quốc gia (VNIX) thuộc Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC, thuộc Bộ TT-TT). Thay vì phải kết nối lẫn nhau sẽ làm tăng rất nhiều kết nối trực tiếp các ISP chỉ cần kết nối tới điểm trung chuyển quốc gia VNIX là có thể kết nối tới các ISP còn lại. Lưu lượng internet trong nước của ISP sẽ đi trực tiếp đến các ISP khác qua VNIX thay vì phải đi vòng qua quốc tế.

Tuy nhiên đã có quy định yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo dung lượng kết nối qua VNIX nhưng các quy định của VNNIC (áp dụng cho các đơn vị có thỏa thuận kết nối với VNNIC) chưa được thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc và cơ quan quản lý cũng khó xử lý. Yêu cầu kết nối được xác định “thông qua thương lượng” (Nghị định 97/2008/NĐ-CP) đang đặt các doanh nghiệp nhỏ vào tình thế khó khi đối tác của họ là các ông lớn. Và thiệt hại đương nhiên thuộc về người sử dụng dịch vụ như đã biết. 

Các nước đều đang áp dụng biện pháp quản lý giá cước kết nối internet theo phương thức giữa các doanh nghiệp có kết nối internet trực tiếp với nhau hay giữa các doanh nghiệp với trung tâm kết nối internet tập trung, trên cơ sở tự thỏa thuận. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ đưa ra các nguyên tắc tính giá cước để đảm bảo sự công bằng, công khai trong việc tính giá cước kết nối của các doanh nghiệp. Có lẽ, Việt Nam cần nghiên cứu cách làm như thế để ngăn chặn trình trạng trên, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.