Chứng khoán lời hơn tiết kiệm
Hôm qua (29.12), thị trường chứng khoán (TTCK) đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023 với VN-Index tăng 1 điểm, lên 1.129,93 điểm. Ngược lại, HNX-Index giảm nhẹ 0,31 điểm, xuống 231,04 điểm. Tính chung trong năm 2023, VN-Index tăng 122,84 điểm, tương ứng tăng gần 12,2% và HNX-Index tăng 25,73 điểm, tương ứng tăng hơn 12,5%.
Mức tăng của VN-Index dù không cao như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư (NĐT) nhưng đây là kết quả khả quan so với mức lao dốc hơn 32% từng ghi nhận trong năm vừa qua. Còn nếu so với lãi suất tiết kiệm - vốn tăng cao trong nửa đầu năm 2023 - thì VN-Index vẫn tăng cao hơn. Cụ thể, đầu năm nay, lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank kỳ hạn 12 tháng khoảng 7,4%/năm và hiện nay đã giảm xuống còn 4,8%/năm. Nếu tính bình quân thì VN-Index đã tăng gấp đôi lãi tiết kiệm. Thậm chí nếu so với lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng thương mại phổ biến có nhiều người gửi tiền như ACB, Eximbank, Techcombank… thì mức tăng của VN-Index cũng cao hơn khoảng 50%.
Nếu xét riêng, một số cổ phiếu (CP) đã lập kỷ lục, giúp NĐT bỏ túi mức lãi gấp đôi. Có thể kể đến như mã FRT từ 69.000 đồng vào đầu năm đến nay đóng cửa đạt mức đỉnh mới 107.000 đồng, tương ứng tăng 55%. Hay GMD của Công ty Gemadept từ giá 45.400 đồng đến nay đạt 70.500 đồng; PDR của Công ty Phát Đạt từ 15.000 đồng tăng lên 27.850 đồng, tương ứng tăng hơn 85%; HAG của Công ty Hoàng Anh Gia Lai từ sát 9.000 đồng nay lên 13.200 đồng, tương ứng tăng gần 47%...
Ngay cả so với vàng miếng lập kỷ lục về giá từ trước đến nay nhưng người mua từ đầu năm với giá 66,7 triệu đồng/lượng đến nay bán ra ở mức 73 triệu đồng (giá mua vào của Công ty SJC) cũng chỉ lãi được 9,4%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định đối với nhiều NĐT tham gia vào TTCK thì trong năm 2023, mức lãi trên thị trường này vẫn hơn lãi gửi tiết kiệm. Thậm chí đối với nhiều người, dù lãi suất tiết kiệm lên cao hơn nữa thì cũng không thể bằng mức lãi của một đợt "sóng" CP. Tuy nhiên, TTCK, theo ông Hiển, vẫn chưa thu hút được nhiều tiền từ ngân hàng đổ vào. Lượng tiền rót vào đầu tư chứng khoán vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ so với số lượng tiền của người dân gửi ở ngân hàng. Dự báo năm tới, TTCK sẽ có nhiều cơ hội dành cho NĐT khi nhiều CP của các công ty kinh doanh sản xuất tốt thời gian qua đã bị giảm theo thị trường và vẫn chưa hồi phục trở lại khiến giá thấp hơn năng lực của doanh nghiệp và cả lịch sử giá của chính nó.
"Đây là cơ hội để NĐT lựa chọn mua vào thì mức lãi 15 - 20% là hoàn toàn có thể đạt được trong 6 tháng. Thậm chí để đầu tư vào chứng khoán cũng không hẳn là người đã có nhiều kinh nghiệm mà chỉ cần quan sát, tìm hiểu doanh nghiệp trong ngành nghề mình đang làm việc cũng sẽ biết được điểm mạnh, điểm yếu của công ty; so sánh lịch sử giá của CP… thì vẫn có thể lựa chọn để mua vào tích lũy", ông Hiển nhấn mạnh.
Kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản có cơ hội cao
Chuyên gia thị trường tài chính Phan Dũng Khánh nhận định nếu nói về đầu tư ở VN thì vẫn xoay quanh các kênh truyền thống và phổ biến là chứng khoán và bất động sản (BĐS). Trong năm mới, lãi suất tại VN vẫn duy trì ở mức thấp, tỷ giá hối đoái ổn định sẽ là những điểm nhấn quan trọng tạo thuận lợi cho TTCK phát triển. Việc đầu tư vào CP vẫn tích cực nhất. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng của TTCK sẽ không mạnh như trong năm 2023 khi VN-Index xuống thấp dưới 1.000 điểm và có lúc tăng lên 1.200 điểm. Trong đó, ông đánh giá cao nhóm ngành năng lượng xanh, sạch, công nghệ vì đây là xu hướng phát triển mới đang thu hút sự chú ý của nhiều NĐT lớn trên thế giới. Hoặc nhóm ngành tiêu dùng cũng sẽ có mức tăng trưởng tốt.
Song song với CP, ông Phan Dũng Khánh cũng cho rằng trái phiếu doanh nghiệp sẽ hồi phục trở lại sau khi có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy thị trường phát triển của Chính phủ cũng như thông tin xấu nhất hầu như đã qua. Bên cạnh đó, NĐT cũng có thể xem xét trở lại thị trường BĐS, kênh duy nhất vẫn đang ở mức đáy và đó là cơ hội để NĐT chọn lựa sản phẩm phù hợp với thị hiếu, nguồn vốn của mình. Điểm yếu của thị trường BĐS hiện tại là thanh khoản và không ai dự báo được khi nào sẽ thoát đáy nhưng mua ở thời điểm này thì không quá lo lắng về việc giá đi xuống. Riêng đối với vàng cũng có thể xem xét vì mang tính phòng thủ nhưng chỉ nên phân bổ tỷ lệ vốn đầu tư rất ít và cần theo chiến lược đầu tư trung dài hạn do chênh lệch giá mua bán cũng như giữa giá trong nước và quốc tế quá cao.
Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), cho rằng bước sang năm mới 2024, lạm phát thế giới vẫn đang theo xu hướng giảm và lạm phát ở VN cũng duy trì ở mức thấp. Kinh tế vĩ mô trong nước cũng sẽ từng bước phục hồi và dự báo tăng hơn năm 2023. Thông thường TTCK sẽ phản ánh trước các chỉ số của nền kinh tế nói chung nên khả năng VN-Index sẽ tăng cao hơn mức của năm 2023. Khi lựa chọn các CP có nền tảng cơ bản tốt, doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả thì chỉ riêng cổ tức được chia cũng sẽ cao hơn lãi suất tiết kiệm hiện nay.
Tương tự, ông cũng đánh giá thị trường BĐS sẽ tích cực hơn trong năm mới. Trong đó, NĐT cá nhân có thể xem xét đầu tư vào phân khúc căn hộ ở các khu đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội do nhu cầu của người dân vẫn khá cao. Thời gian qua khi thị trường điều chỉnh phân khúc căn hộ cũng bị giảm theo dù trước đó không tăng mạnh như phân khúc đất nền ở nhiều địa phương. Vì vậy có thể xem xét mua căn hộ để tích lũy, cho thuê và khi thị trường BĐS tăng trở lại thì sẽ có lãi cao hơn gửi tiết kiệm.
NĐT cá nhân có thể chọn nhà phố trong hẻm hay căn hộ đang cho thuê. Mua BĐS hiện nay sẽ không sợ bị giảm giá nhiều mà còn có cơ hội để lựa chọn. Lợi nhuận BĐS cho thuê có thể thấp hơn lãi suất tiết kiệm nhưng đây là tài sản có giá trị bền vững. Đặc biệt khi thị trường BĐS hồi phục trở lại thì cơ hội tăng giá mạnh rất lớn, bỏ xa việc để tiền trong ngân hàng.
TS Đinh Thế Hiển
Bình luận (0)