Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng cho dừng dự án lấp sông Đồng Nai

02/06/2015 08:30 GMT+7

Ngày 29.5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang đã ký Văn bản số 2159 gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (viết tắt DA). Theo đó, kiến nghị Thủ tướng cho dừng dự án.

Ngày 29.5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang đã ký Văn bản số 2159 gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (viết tắt DA). Theo đó, kiến nghị Thủ tướng cho dừng dự án.

Hiện trường dự án lấp sông Đồng Nai Hiện trường dự án lấp sông Đồng Nai - Ảnh: Diệp Đức Minh

Pháp lý chưa chặt chẽ

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), DA tuy tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đất đai, xây dựng, đầu tư, giao thông đường thủy và đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng còn một số vấn đề chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành trong các lĩnh vực kể trên.

Cụ thể về việc tuân thủ pháp luật khí tượng thủy văn, trạm thủy văn Biên Hòa đặt giữa khu vực san lấp, lấn sông tạo mặt bằng của DA, nên khi thực hiện sẽ phải di dời trạm thủy văn và như vậy sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi số liệu đã có trong quá khứ. Khi trạm di dời sẽ phải tính toán lại các cấp báo động lũ.

Việc tuân thủ pháp luật tài nguyên nước, DA chưa làm rõ sự tuân thủ các quy định tại điều 9, điều 63 luật Tài nguyên nước năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2013) về đảm bảo thoát lũ, sự lưu thông dòng chảy, không gây sạt lở bờ sông. Theo quy định tại điều 72 của luật Tài nguyên nước và điều 42 của Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên nước, DA thuộc loại phải lấy ý kiến của Bộ TN-MT tuy nhiên trong quá trình triển khai, DA chưa lấy ý kiến của Bộ TN-MT.

Chưa đầy đủ

Phân tích sâu về cơ sở khoa học dựa trên luật Tài nguyên nước, báo cáo của Bộ TN-MT nhận định: ĐTM của DA và Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy đều chưa làm rõ hoặc chưa nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để có thể định lượng các tác động của DA tới thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông làm cơ sở thực hiện DA.

Những sai sót của DA thể hiện cụ thể ở một số điểm quan trọng sau: Việc đặt và giải bài toán đánh giá tác động dòng chảy chưa đầy đủ, chưa xem xét quá trình diễn biến lòng dẫn trong nhiều năm, nhiều thời kỳ. Các phương án công trình đưa ra trong báo cáo chưa xem xét đến việc đánh giá ổn định lòng dẫn trên toàn tuyến, đặc biệt đoạn bờ đối diện công trình, chưa đánh giá được sự thu hẹp lòng dẫn ở phần chân do vấn đề san lấp gây ra. Chưa xét đến trường hợp tính toán khi có lũ lớn trên sông Đồng Nai kết hợp với triều cường, đặc biệt khi có xả lũ của các hồ chứa phía thượng nguồn.

Về số liệu đầu vào, số liệu địa hình, thủy văn chưa đáp ứng được yêu cầu bài toán đánh giá tác động dòng chảy do DA gây ra trên sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh. Thời gian mô phỏng diễn biến chỉ tính trong các ngày từ ngày 16 - 19.9 là chưa đủ, đặc biệt chưa đánh giá mô phỏng với lưu lượng ổn định lòng dẫn. Mô hình thủy lực chỉ mới hiệu chỉnh trên cơ sở chuỗi số liệu thực đo từ ngày 16 - 19.9.2008 chưa phản ảnh được các trường hợp đặc trưng như lũ lớn, mực nước cao nên chưa đủ thuyết phục. Kết quả hiệu chỉnh mới chủ yếu dựa vào mực nước và lưu lượng. Chưa có hiệu chỉnh về biến động lòng dẫn.

Mới đánh giá ở mức sơ bộ mà đã triển khai

Bộ TN-MT cũng cho biết thêm, mặc dù trong báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, tư vấn lập báo cáo và tư vấn thẩm tra đều kết luận: Việc xây dựng công trình lấn sông ở khu vực từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh theo các phương án lấn sông 50m, 75m và 100m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không làm ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận, nhưng trong phần kiến nghị, tư vấn lập Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy cũng cho rằng kết quả tính toán chỉ mới dừng ở mức sơ bộ, cần tiếp tục nghiên cứu thêm.

Bên cạnh đó, khi thẩm tra Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, Viện Thủy lợi và Môi trường đã nhận xét: “Các kết quả tính toán của đơn vị tư vấn mới dừng ở mức nghiên cứu sơ bộ, chưa đưa ra cơ sở, luận cứ chọn phương án tính toán, phần thuyết minh tính toán bằng mô hình cần làm rõ theo các bước thực hiện từ việc xác định lưới, xây dựng miền địa hình tính toán, xác định các điều kiện ban đầu và điều kiện biên, hiệu chỉnh xác định bộ thông số mô hình và kiểm định mô hình. Trên cơ sở đó mới có luận cứ khoa học để đánh giá tính khả thi của các phương án đưa ra. Vì vậy đơn vị thẩm định đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để nâng cao độ chính xác và các phương án tính toán kiểm tra thêm khi đi vào xây dựng công trình”.

Từ những cơ sở rõ ràng nêu trên, báo cáo của Bộ TN-MT kết luận: “Như vậy, việc dựa vào kết luận của Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy để triển khai thực hiện DA là chưa đủ cơ sở khoa học tin cậy”. Mặc dù ĐTM của DA cũng đánh giá, dự báo bổ sung về những tác động chính đến chế độ dòng chảy sông Đồng Nai của việc xây dựng kè, nhưng còn sơ sài, những vấn đề đặt bài toán, giải bài toán và số liệu đầu vào như đã nêu trên vẫn chưa được bổ sung, hoàn chỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ TN-MT kiến nghị Chính phủ tiếp tục dừng thực hiện DA, giao cho Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định lại ĐTM của DA. Đặc biệt là vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông.

Theo cách hiểu của tôi ở đây là dừng vô thời hạn

Bộ đã xem xét ý kiến của các bên từ phía tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư DA, các bộ có liên quan kể cả các chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) và các tổ chức khác một cách thận trọng đầy đủ. Bản báo cáo dài 6 trang cũng đã cân nhắc rất nhiều vấn đề về khoa học và pháp lý của DA. Theo đó, trong các giải trình của Bộ cũng khẳng định cơ sở pháp lý của DA là chưa đầy đủ, cơ sở khoa học là chưa đủ độ tin cậy. Từ những phân tích, nhận định như trên dẫn đến việc Bộ đưa ra kiến nghị tiếp tục dừng DA.

Theo cách hiểu của tôi ở đây là dừng vô thời hạn cho đến khi làm rõ những vấn đề nêu trên. Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng kiến nghị Thủ tướng thành lập một đoàn thẩm định lại ĐTM của DA tập trung vào 6 vấn đề mà theo tôi những vấn đề đó là rất xác đáng, rất quan trọng. Tôi cho rằng đây là bước đi khôn khéo và thận trọng của Bộ trước khi đưa ra kiến nghị định dừng hẳn DA này lại.

TS Vũ Ngọc Long
(Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - đại diện khu vực phía nam của VRN)

 Bao giờ mới giải quyết được vấn đề?

Trong khi các sai phạm của DA đã rành rành nhưng lại không đưa ra kiến nghị xử lý rõ ràng mà chung chung rằng tiếp tục cho thẩm định lại. Việc làm rõ đúng sai của DA này không quá khó. Kiến nghị tiếp tục giao cho Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan để thẩm định lại ĐTM như vậy thì bao giờ mới giải quyết được vấn đề.

TS Đào Trọng Tứ (Cố vấn VRN)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.