Bộ TN-MT lý giải việc cho phép nhận chìm chất thải ở biển Bình Thuận

29/06/2017 12:23 GMT+7

Bộ TN-MT cho biết, trong cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải ra biển Bình Thuận đã nêu rõ, khi quan trắc phát hiện thông số chất lượng nước biển vượt quá giới hạn thì phải dừng ngay.

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), để đưa nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào hoạt động, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1) đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Vật, chất đề nghị được cấp giấy phép nhận chìm là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, đá phong hóa, sét và bùn trầm tích.
Ngay khi nhận được hồ sơ này, Bộ TN-MT đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp giấy phép với 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, một số hội nghề nghiệp liên quan, Ban Quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và đại diện các bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng có văn bản lấy ý kiến của các Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Thuận, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau xin ý kiến về hồ sơ cấp phép nhận chìm.
Bộ TN-MT cho biết, trên cơ sở quy định của luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, luật Bảo vệ môi trường, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Bình Thuận và Hội đồng thẩm định, ngày 23.6 vừa qua, Bộ TN-MT đã cấp phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Theo Bộ TN- MT việc cấp phép nhận chìm đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường biển, khu vực bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda và các khu vực ven bờ. Vật, chất được phép nhận chìm thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển theo Nghị định 40 của Chính phủ ban hành vào tháng 5.2016. Khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn Hòn Cau là 8 km, nằm trong diện tích 300 ha đã được UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm và xác định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Thời gian được phép nhận chìm chỉ thực hiện từ tháng 6 đến hết tháng 10 năm 2017. Theo Bộ TN-MT, đây là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, nên hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản vên bờ. Hơn nữa, độ sâu lớn nhất của khu vực nhận chìm là âm 36,1 m. Trong khi đó, độ sâu của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ âm 5 m đến âm 10 m nên khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Bộ TN-MT nhấn mạnh, việc nhận chìm chỉ cho phép tiến hành từng bước với sự quan trắc, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường biển trong suốt quá trình thực hiện. Theo đó, trong Giấy phép nhận chìm đã quy định Chương trình quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm do Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị giám sát độc lập) thực hiện với sự tham gia của đại diện Bộ TN-MT, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để quan trắc, giám sát nguồn gây tác động đến môi trường và đối tượng có thể bị tác động do hoạt động nhận chìm; kịp thời phát hiện và xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường.
Giấy phép nhận chìm cũng đã quy định trường hợp một trong các thông số chất lượng nước biển tại bất kỳ điểm quan trắc, giám sát nào trong 13 điểm nêu trên vượt giá trị giới hạn quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, thì Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và chỉ được phép tiếp tục thực hiện khi có giải pháp khắc phục được Bộ TN-MT chấp thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.