Lý Chí Thụy, 27 tuổi, quê ở tỉnh Hắc Long Giang, ngồi trên xe buýt lặng nhìn qua cửa sổ những ngôi biệt thự kiểu Tây, những chiếc xe hơi sang trọng và những cửa hàng thương mại rực rỡ ánh đèn trên đường về nhà.
Xe buýt vừa ghé trạm cuối, anh cởi vội chiếc áo vét bảnh bao, tháo chiếc cà vạt (do công việc đòi hỏi) và đi bộ đến một bãi giữ xe rộng mênh mông. Chí Thụy không có bằng lái xe nhưng chuyện này không quan trọng. Anh đang ở ngoại ô Bắc Kinh. Ở đây không có ánh mắt xét nét của cảnh sát giao thông và của đồng nghiệp ở cơ quan.
Sau khi lái chiếc xe máy loại cà tàng mất 15 phút, cuối cùng anh đã trở lại với thực tế hằng ngày:
Một căn phòng, tạm gọi là nhà, rộng 8 m² nhưng tiền thuê lên đến 500 tệ (1 tệ = 2.869 đồng).
Lý Chí Thụy từng mơ làm chủ một căn hộ riêng. Ước mơ này càng thôi thúc anh sau khi cô bạn gái - một sinh viên năm 4 - nói lời chia tay vì anh từ chối mua một chiếc xe hơi cũ và một chiếc nhẫn đính hôn tặng cô.
Anh buồn buồn kể lại: “Cô ấy ghét tôi mang chai nước từ nhà theo uống và chỉ có thể mua một tách cà phê cho cô khi hẹn hò đi chơi”. Anh giải thích: “Lương tôi chỉ có 2.000 tệ. Hãy thử tính xem tôi có thể mua được bao nhiêu tách cà phê sau khi trừ tiền nhà, tiền ăn?”.
Lao động cấp thấp
“Bộ tộc kiến” (Nghi tộc, theo tiếng Hán) là đầu đề một cuốn sách của tiến sĩ Liêm Tư, nghiên cứu sinh Trường Đại học Bắc Kinh, từng gây xôn xao trong dư luận xã hội Trung Quốc. Đó là kết quả của 2 năm nghiên cứu và phỏng vấn các thành viên những cộng đồng “bộ tộc kiến” ở các đô thị lớn Trung Quốc.
“Bộ tộc kiến” bao gồm những sinh viên tốt nghiệp đại học của các trường tỉnh lẻ nhập cư các thành phố lớn với hy vọng tìm một cuộc sống tốt hơn nhưng thất nghiệp triền miên hoặc chỉ tìm được những công việc lương thấp, trái với ngành nghề, sinh sống ở những nơi tồi tàn và kiên nhẫn chờ thời.
Tiến sĩ Liêm Tư so sánh những cử nhân ấy với kiến vì cả hai có một điểm chung: Chỉ số thông minh (IQ) cao, chịu khó lao động, vô danh và từng cá nhân rất yếu cho nên thích sống theo bầy đàn để tạo sức mạnh.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo Thanh niên Trung Quốc, ông Liêm Tư mô tả chân dung mẫu của “kiến” là những thanh niên tuổi từ 22 đến 29, có thu nhập từ 1.000 đến 2.500 tệ/tháng (trong khi lương trung bình của công nhân cổ trắng ở các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải là 4.000 tệ), chi trung bình 377 tệ tiền thuê nhà, 529 tệ tiền ăn”.
Hầu hết “kiến” không được ký hợp đồng lao động và đương nhiên không được hưởng bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội. Họ thường thuê chung một căn phòng rộng 10 m2 với 3 - 4 người ở và chia sẻ một buồng vệ sinh với 70 người khác.
Do không có được sự riêng tư và không gian ở quá chật hẹp, tình dục trở thành một thứ xa xỉ phẩm cho nên họ không dám mơ chuyện lập gia đình.
Ngày 23-6 vừa qua, Học viện Báo chí và Khoa học xã hội đã công bố Sách Xanh về nhân tài đất nước, theo đó, ở các thành phố lớn Trung Quốc có đến hơn 1 triệu “kiến”.
Theo Sách Xanh, riêng ở Bắc Kinh có hơn 100.000 “kiến”. Ở các thành phố lớn khác như Quảng Châu, Tây An, Trùng Khánh, Thái Nguyên, Trịnh Châu và Nam Kinh cũng có cộng đồng “kiến” khá lớn. Mỗi cộng đồng có rất nhiều tiệm internet, cửa hàng ăn, hiệu cắt tóc, những nhu cầu tối thiểu.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục, số sinh viên tốt nghiệp đã gia tăng từ 1,07 triệu năm 2000 lên 6,11 triệu năm 2009.
Tìm giấc mơ Mỹ ở Trung Quốc
Tại thành phố Vũ Hán, một cuộc khảo sát của Trung tâm Nhân lực Hồ Bắc và Trường Đại học Vũ Hán hồi tháng 5 vừa qua cho biết Vũ Hán có khoảng 60.000 “thành viên bộ tộc kiến”, 50% số này có thu nhập ít hơn 1.500 tệ và 80% sống nghèo, 90% đến từ các huyện thị, thị trấn ngoài Vũ Hán.
Điều đáng chú ý là 82% sinh viên tốt nghiệp đại học xuất thân từ gia đình không gặp khó khăn về kinh tế nhưng không chịu ở lại quê nhà. Họ quan niệm rằng thà sống nghèo khổ ở Vũ Hán nhưng còn hy vọng đổi đời còn hơn sống bình bình ở nông thôn hay thị trấn. Đối với họ, có một giấc mơ Mỹ ở ngay Trung Quốc, miễn là biết kiên nhẫn chờ vận may.
Có hai luồng dư luận trái chiều về hiện tượng xã hội “bộ tộc kiến”. Trên mạng xã hội, đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa về tầng lớp ưu tú (tri thức đại học) trở thành tầng lớp xã hội yếu kém thứ tư, sau nông dân, công nhân nhập cư và những người thất nghiệp.
Tiêu Xuyên, một blogger ở Thượng Hải, nhận định rằng các thành viên “bộ tộc kiến” không đáng thương hại vì họ có được sự lựa chọn. Anh thắc mắc: “Tại sao các ông bà cử nhân này không thể làm trong nhà hàng? Hệ thống giáo dục của chúng ta khiến họ tưởng mình là công chúa và hoàng tử. Trong khi họ là những kẻ rất yếu đuối”.
Những người đồng tình với quan điểm của Tiêu Xuyên không ít. Tuy nhiên cũng có nhiều người suy nghĩ khác. Đường Bắc Lượng, một blogger trên mạng sina.com, cho rằng “kiến” có đẳng cấp cao hơn thành phần thanh niên chuyên “ăn bám cha mẹ”. Ưu điểm này cho thấy họ có khả năng tự nuôi sống bản thân dù gian khổ hay không được đánh giá đúng khả năng. Tiêu Trang, một blogger khác, cũng ca ngợi: “Ít nhất “kiến” biết đấu tranh cho một tương lai tốt hơn”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)