Ngày 25.7, Cục Hàng không dân dụng VN cùng Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung đã chủ trì cuộc họp với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và các lực lượng liên quan để rà soát, rút kinh nghiệm về an ninh, an toàn sau khi xảy ra vụ bò tót xâm nhập vào sân bay Phú Bài.
Trả lời câu hỏi vì sao một sân bay quốc tế như sân bay Phú Bài lại có một con vật như con bò tót xâm nhập vào được, ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục Hàng không dân dụng VN, nói đó là hạn chế lớn hiện nay với không chỉ sân bay Phú Bài mà còn rất nhiều sân bay địa phương khác ở VN. Hiện nhiều sân bay còn rất nhiều khoảng trống và kẽ hở từ hàng rào, súc vật có thể xâm nhập vào sân bay. “Hiện kinh phí là một vấn đề lớn, khá khó khăn để hoàn thiện hệ thống hàng rào” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, qua vụ con bò tót lọt vào sân bay Phú Bài, sắp tới các sân bay cần có kế hoạch nâng cấp thiết bị, phương tiện để sẵn sàng ứng phó tình huống, ngăn chặn động vật nói riêng và các mối đe dọa khác nói chung để đảm bảo an ninh, an toàn các sân bay. “Đối phó với con người còn dễ hơn nhiều đối phó với thú vật. Thú thật là từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ diễn tập ngăn chặn, khống chế động vật xâm nhập sân bay gây mất an toàn như trường hợp vừa xảy ra tại sân bay Phú Bài. Đây là một kinh nghiệm, bài học lớn trong việc đảm bảo an ninh, an toàn bay tại các sân bay nói chung” - ông Thanh nhìn nhận.
|
Bò tót chết do suy kiệt và bị bệnh đường ruột
Về nguyên nhân bò tót chết sau khi được cứu hộ, ngày 25.7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có thông cáo báo chí gửi đến các cơ quan truyền thông, theo đó: “Các cơ quan chức năng và các chuyên gia đã lựa chọn phương án tối ưu, nhưng vì nhiều lý do khách quan và bản thân sức khỏe con vật yếu (phổi, khí quản có xung huyết, tim xuất huyết, tụ huyết ở cơ tim, gan và mật bị sưng, hạch màng treo ruột sưng…) nên công tác cứu hộ không như mong đợi”.
Chi cục Thú y tỉnh cho biết, hiện các mẩu bệnh phẩm thu nhận từ con bò tót trên sau khi các cơ quan chức năng giải phẫu để giám định vào tối 24.7 đang được xét nghiệm để xác định nguyên nhân cái chết. Tuy nhiên, kết quả ban đầu qua giải phẫu có thể nhận định con bò chết là do kiệt sức và bị bệnh đường ruột.
Sau khi bò chết, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lập hội đồng tiêu hủy và đã chôn lấp. Riêng phần sọ giao cho ĐH Khoa học Huế (Khoa Sinh) để xử lý tiêu bản làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên.
Nhiều trường hợp xâm nhập đường băng Người và động vật xâm nhập đường băng cũng đã liên tiếp xảy ra từ đầu năm 2012 đến nay. Vào ngày 19.2.2012, chuyến bay VN1002 chặng Phú Quốc - Rạch Giá phải thực hiện bay lại vì xuất hiện người chạy ngang đường hạ cánh. Ngày 25.2.2012, chuyến bay VN1267 chặng Vinh - TP.HCM khi thực hiện lăn ra đường cất cánh, tổ bay phát hiện 5 người và bò đi ngang qua đường băng. Ngày 29.2.2012, chuyến bay VN1187 chặng Hải Phòng - TP.HCM phải hủy cất cánh vì có chim trên đường băng. Ngày 10.7.2012, chuyến bay VN1670 chặng Đà Nẵng - Hải Phòng, cơ trưởng phải bay vòng và thực hiện lại việc tiếp cận hạ cánh khi phát hiện có trâu đi trên đường băng tại sân bay. Mai Vọng |
>> Con bò tót ở sân bay Phú Bài đã chết
>> Tạm đóng cửa sân bay Phú Bài để xử lý bò rừng đi lạc
>> Bò tót tấn công người và xâm nhập sân bay Phú Bài?
Bùi Ngọc Long - Gia Tân
Bình luận (0)