Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: 'Không thể tay không mà bắt chip'

01/11/2023 12:41 GMT+7

Để tận dụng cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng phải có sự đầu tư bài bản, chứ "không thể tay không mà bắt chip".

Sáng 1.11, tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về ý kiến của các đại biểu trước đó, liên quan đến giáo dục. Một trong những nội dung được ông Sơn đề cập là công tác đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: 'Không thể tay không mà bắt chip' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

QUỐC HỘI

"Không thể tay không mà bắt chip"

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn lại lời của một số đại biểu, về việc thời gian tới ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn, từ nay đến năm 2030 có thể lên tới 50.000 - 100.000 người. Nhiều đại biểu lo ngại ngành giáo dục sẽ làm gì để cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao trong một lĩnh vực rất mới và đầy thách thức như vậy.

Theo người đứng đầu Bộ GD-ĐT, đây là sứ mệnh và trọng trách lớn của ngành, nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như chủ trương đổi mới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Sau khi nhận chỉ đạo từ Thủ tướng, Bộ GD-ĐT đã lên kế hoạch triển khai. Bộ đã tổ chức hội nghị, tăng cường các điều kiện cần có cho công tác đào tạo, từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, cho đến ký kết hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ.

Trong số 50.000 - 100.000 nhân lực cần cung ứng, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ ưu tiên cho nhóm thiết kế vi mạch bán dẫn. Cả nước hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trực tiếp hoặc các ngành gần với lĩnh vực này.

Áp lực về số lượng là rất lớn, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý phải xác định nhu cầu chính xác để đào tạo cho sát, "tránh ào ào rồi đến lúc thừa".

Trên tinh thần ấy, năm 2024 sẽ tuyển sinh khoảng hơn 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, khoảng hơn 7.000 nhân lực ở lĩnh vực liên quan. Các năm tiếp theo sẽ tăng dần 20 - 30%, đến năm 2030 thì đáp ứng được.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao, vì thế cũng cần có sự đầu tư cao, "không thể tay không bắt chip". Ông mong muốn Quốc hội, Chính phủ có chủ trương đầu tư xây dựng các phòng thực hành, nhằm đáp ứng cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: 'Không thể tay không mà bắt chip' - Ảnh 2.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội

QUỐC HỘI

Phải vượt qua "ngưỡng cửa" gia công, đóng gói

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), những kết quả từ hoạt động đối ngoại tầm cao với các cường quốc trong thời gian qua đã mở ra cơ hội cho Việt Nam trở thành trung tâm đối thoại hòa bình, điểm đến của các dòng dịch chuyển về thương mại, đầu tư chất lượng cao.

Với sự dịch chuyển ấy, không chỉ ngành công nghiệp bán dẫn mà các ngành thương mại, dịch vụ, an sinh, xã hội… đều được hưởng lợi.

Tuy vậy, việc có tận dụng được cơ hội này hay không sẽ phụ thuộc vào sự chuẩn bị của Việt Nam về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Đại biểu Lộc đề nghị cần có các chiến lược chính sách đột phá trong bối cảnh mới, không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa và hội nhập mà các nền công nghiệp chủ lực như ô tô, điện tử, dệt may, da dày, thậm chí cả nền nông nghiệp vẫn dừng lại ở gia công, lắp ráp.

Nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, gồm những ngành công nghiệp đỉnh cao và tiềm năng như chip bán dẫn, mà 10 - 15 năm nữa vẫn gia công, đóng gói, Việt Nam sẽ không thể vượt ngưỡng thu nhập trung bình, không thể trở nước phát triển.

Do đó, đại biểu Lộc gợi mở mục tiêu phải vươn lên phân khúc cao, thậm chí đóng vai trò dẫn dắt, làm chủ một số chuỗi cung ứng.

Cũng theo ông Lộc, để phát triển và phục hồi kinh tế, tiền bạc là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thể chế. Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực, giúp tiền đẻ ra tiền; thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được.

Bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; gỡ bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại của cán bộ công chức và doanh nghiệp; có giải pháp bảo vệ cán bộ, doanh nhân dám nghĩ dám làm; khắc phục tình trạng có tiền mà không tiêu được…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.