Tại cuộc họp báo nóng về BOT chiều nay, 18.1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Chúng ta sẽ không dừng thực hiện các dự án BOT, nhưng sẽ phân loại các dự án”.
Các địa phương có trách nhiệm với BOT
Ông Thể cho biết: với các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, chỉ đạo đảm bảo an toàn thông suốt tại các dự án BOT. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục giảm giá với hai hình thức: giảm giá toàn bộ các xe qua trạm và giảm cho các hộ dân sinh sống gần trạm, hiện 51 trạm đã áp dụng giảm giá. Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu dự án nào không quyết toán sẽ dừng thu phí.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Giám đốc Công an các tỉnh đảm bảo tình hình an ninh trật tự một cách tốt nhất, những hành vi đi qua các trạm với tính chất manh động như phá cả barie ở Sóc Trăng, chặn xe... sẽ xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng. Chắc chắn sẽ có một số cá nhân, tổ chức từng đoàn, công an sẽ xử lý. Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt vì Tết Nguyên đán sắp tới, liên quan rất lớn đến an ninh chính trị.
“Nếu các đồng chí thấy cá nhân nào, trong đó cả tôi tư túi một cái gì đó hãy phản ánh. Ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm”, ông Thể khẳng định.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm giữa các bên với dự án BOT, theo ông Thể, đa số dự án do địa phương đề xuất, Bộ Bộ Giao thông vận tải thấy phù hợp, thoả thuận bằng văn bản thì mới triển khai. Trách nhiệm của các địa phương là rất lớn, còn Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về mức đầu tư, phương án...
“Tại một số dự án gần đây, qua một nhiệm kỳ, có một số địa phương có văn bản xin dời trạm. Nhưng dự án BOT có 7 bộ, ngành chịu trách nhiệm, sau khi hoàn thành tất cả các cơ quan liên quan đều phải có trách nhiệm. Một số dự án BOT nóng, không chỉ có trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải mà cả HĐND, UBND các địa phương có văn bản đồng ý. Một số dự án mà địa phương đề xuất di dời trạm thì Bộ Giao thông vận tải không đủ thẩm quyền, vì chúng tôi cũng chỉ là một trong các bên, sẽ báo cáo Chính phủ tính toán. Trách nhiệm như thế nào Chính phủ sẽ cho kết luận”, ông Thể nói.
Xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu gây rối
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, Tổng cục Đường bộ đã có thông tin một số đối tượng, đơn vị cá nhân tạo nên các điểm nóng tại các dự án BOT. “Tất cả các trạm BOT đều có hệ thống camera giám sát, trách nhiệm của chủ đầu tư phải cung cấp mọi thông tin, hình ảnh lái xe, khi địa phương, công an có yêu cầu sẽ cung cấp đầy đủ”, ông Thể nói.
Trao đổi thêm, ông Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thuỷ, cho hay hiện còn 24 dự án BOT có vấn đề về an ninh trật tự. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an sẽ yêu cầu trích xuất camera, đối tượng nào cầm đầu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý. Không để hình thành điểm nóng tại các trạm BOT.
Chưa có phương án cụ thể cho BOT Cai Lậy
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về giải pháp cho BOT Cai Lậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tháng 11.2017, Thủ tướng kết luận yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải báo cáo phương án cho BOT Cai Lậy sau 1 - 2 tháng.
“Chúng tôi làm rất nghiêm túc, đã báo cáo Chính phủ, nhưng phương án đến thời điểm này phải tổng thể, nên Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành rà soát để Thủ tướng có kết luận. Thủ tướng đã giao cho Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phụ trách. Chúng tôi chưa thể cung cấp phương án nào vì phương án nào cũng có tác động”, ông Thể nói.
Về câu hỏi vì sao ký hợp đồng BOT Cai Lậy, ông Thể khẳng định, dù ông là người trực tiếp ký hợp đồng BOT Cai Lậy, nhưng “tôi không có tư túi, lợi ích nhóm trong dự án BOT Cai Lậy, không bẻ cong sự thật. Phán quyết như thế nào thì Kiểm toán, Uỷ ban kiểm tra T.Ư đã vào cuộc với các dự án, trong đó có BOT Cai Lậy. Tôi không biết trả lời thế nào cho đúng”.
Ông Thể cũng cho rằng, nói BOT sai vị trí không chuẩn, phải nói là chưa hợp lý, thời điểm đó chủ trương như vậy là hợp lý. Nhưng chủ trương thay đổi thì không hợp lý, nếu thế thì BOT sai từ đầu.
Bình luận (0)