Tình trạng sử dụng chất cấm nhóm Beta Agonists trong chăn nuôi được Thanh Niên phản ánh trong loạt bài Kinh hoàng nuôi heo siêu nạc đã trở thành chủ đề “nóng” tại Cuộc họp triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông sản và vật tư nông nghiệp sáng 8.3 ở Hà Nội.
Cục phó Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương thừa nhận, việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists trong chăn nuôi đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Mức độ nghiêm trọng được thể hiện rõ qua kết quả lấy mẫu giám sát tại các lò mổ trên địa bàn TP.HCM được công bố tại cuộc họp. Theo đó, có tới 43% số mẫu nước tiểu và 24% số mẫu thịt nhiễm chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists.
Khi một thành viên tham gia cuộc họp cho rằng chưa nên công bố công khai số liệu nói trên vì sợ người tiêu dùng mất niềm tin vào thịt nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nói ngay: “Chúng ta ngồi đây có ai dám ăn thịt chứa chất Sabutamol và Clenbutanol không? Có ai dám mua những miếng thịt này về nấu cho con mình ăn không? Chúng ta không giấu giếm mà phải thông báo công khai để người dân không ăn phải thịt có chứa chất cấm”. Ông nhấn mạnh: “Đây là tội ác chứ không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật”.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý. Cụ thể người sử dụng chất cấm có thể bị xử lý hành chính theo mức từ 10 - 40 triệu đồng. Nghị định 08 của Chính phủ quy định cơ sở giết mổ gia súc gia cầm chứa chất cấm nguy hiểm sẽ bị xử phạt hành chính bằng tiền, thông báo trên báo đài, rút giấy phép kinh doanh 6 tháng, thu hồi và tiêu hủy chất cấm và vật nuôi tang vật. Cơ sở giết mổ phải chịu trách nhiệm chi trả các chi phí này. Bộ luật Hình sự quy định các đối tượng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị xử tù từ 3 - 5 năm. Quan trọng ở chỗ cơ quan chức năng có cương quyết hay không mà thôi.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cương quyết: “Phải triệt nạn này như việc lực lượng công an đang đánh án ma túy”.
Quang Duẩn
Bình luận (0)