Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói về quyền bắn hạ phương tiện bay không người lái

27/06/2024 13:35 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trường hợp chế áp để hạ cánh mà không chấp hành, lực lượng quân đội có quyền bắn hạ phương tiện bay không người lái.

Sáng 27.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Phòng không nhân dân (PKND). Theo dự thảo, nhiệm vụ PKND là phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói về quyền bắn hạ phương tiện bay không người lái- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang

GIA HÂN

Có quyền bắn nếu không chấp hành áp chế

Giải trình trước Quốc hội, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết việc xác định độ cao 5.000 m "không phải khó". Quân đội có radar để xác định được độ cao dưới 10 m và trên các độ cao khác. "Càng cao càng dễ xác định, càng thấp càng khó vì ảnh hưởng địa hình", ông nói.

Ông Giang cũng nhấn mạnh, bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ quan trọng, do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện, ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, ở các tầng và ở nhiều hướng. Trong đó, dưới 5.000 m thì do PKND phụ trách, tầng cao hơn do các quân khu phụ trách, tầng chiến lược cao hơn nữa do Bộ Quốc phòng trực tiếp phụ trách.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói về quyền bắn hạ phương tiện bay không người lái

Vẫn theo đại tướng Phan Văn Giang, các phương tiện bay ở cự ly 5.000 m sẽ đạt được mục tiêu cao, cho nên việc xác định khu vực bay là cực kỳ quan trọng trong tác chiến.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yếu tố quan trọng..., việc chủ động xây dựng lực lượng PKND là cần thiết, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đề cập tới chế áp phương tiện bay không người lái, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho hay trường hợp chế áp để hạ cánh nhưng không chấp hành, lực lượng quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh. Đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

Quá trình thảo luận, có đại biểu nhắc tới việc một số quốc gia sử dụng thiết bị bay với tầm bay có thể lên tới hàng ngàn km. Ông Giang cho biết, "nước nào cũng có phương tiện bay này, chúng ta cũng không thiếu". Vì thế, việc quản lý các thiết bị bay phải giao cho Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nói về quyền bắn hạ phương tiện bay không người lái- Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận về dự án luật PKND

GIA HÂN

Đề nghị bổ sung quy định về hành vi bị cấm

Trước đó, tại phiên thảo luận, đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) cho biết, việc sử dụng tàu bay không người lái đang được khai thác tương đối phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp như tưới tiêu, phun và quản lý rừng. Trong lĩnh vực truyền thông, điện ảnh có flycam, trong du lịch có khinh khí cầu.

Ông Đức nêu quan điểm, thiết bị bay không người lái mà không được phân loại trước khi khai thác sử dụng, có thể làm phát sinh thủ tục hành chính. Vì vậy, ông đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định phân loại hoặc miễn trừ đối với đăng ký tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ đảm bảo thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng cho ý kiến, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề cập tới vấn đề chế áp phương tiện bay không người lái. Ông đề nghị cần quy định rõ điều kiện chế áp là như thế nào, có được bắn hạ không?

Dẫn chứng phương tiện bay không người lái được các nước sử dụng trong xung đột quân sự, vị đại biểu Kon Tum cho rằng trường hợp phương tiện bay không người lái phương hại đến an ninh quốc gia thì phải được quyền bắn hạ.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật PKND.

Ông Quân nhận định hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động PKND, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hiện mới chỉ có những quy định khung, mang tính nguyên tắc. Trong khi đó, thực tiễn đã đặt ra những yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động PKND để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ngoài các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo, ông Quân cho rằng còn nhiều hoạt động khác làm phương hại đến PKND mà chưa được lường trước. Ông đề nghị bổ sung thêm một khoản về việc quy định nghiêm cấm các hành vi khác ảnh hưởng đến PKND.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.