(TNO) Facebook sẽ giúp Chính phủ gần dân hơn, đồng thời là kênh khuyến khích người dân tham gia đóng góp cho chủ trương, chính sách, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son với báo chí chiều (22.10) bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa 13 xung quanh việc Chính phủ dùng Facebook để giao tiếp với người dân.
* Theo ông có nên tổ chức những phiên định kỳ trong đó các thành viên Chính phủ, có thể là cả các Phó thủ tướng, thậm chí là Thủ tướng thông qua mạng xã hội giải đáp, đối thoại các vấn đề được người dân quan tâm qua mạng xã hội hay không?
Việc sử dụng mạng xã hội Facebook hiện nay đang thí điểm. Sau thí điểm sẽ rút kinh nghiệm xem cách thức nào là phù hợp để có thể áp dụng tốt nhất. Còn quan điểm cá nhân của tôi, nếu các ý kiến phản hồi, bình luận của người dân nhiều, tập trung vào một Bộ nào đó, chắc chắn Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ đó phải giải đáp. Điều này cũng tương tự chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” mà chúng ta đang thực hiện.
* Facebook là dịch vụ do một công ty ở nước ngoài cung cấp. Vậy vấn đề bảo mật đảm bảo các thông tin đưa ra không bị giả mạo, chỉnh sửa sẽ được xử lý như thế nào?
Hiện nay bảo mật thông tin là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Ngay cả Mỹ là nước mạng xã hội Facebook sinh ra cũng bị thách thức rất nhiều. Nhiều trang của lãnh đạo các nước cũng bị tấn công. Chúng ta không thể nói là chúng ta hoàn toàn đảm bảo các trang thông tin đó không bị tấn công. Điều cần làm là nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ trang thông tin Chính phủ.
Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin từ Chính phủ, người dân có thể đóng góp cho các chính sách ngày càng tốt hơn, góp phần lan tỏa thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Không có chủ trương chính sách nào ra đời mà đúng, phù hợp ngay với thực tiễn, thực tiễn mới là tiêu chuẩn của chân lý. Người dân “trăm tay nghìn mắt” hơn Chính phủ. Đây cũng là một kênh để Chính phủ tiếp cận thông tin.
* Đầu năm 2015, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa trang fanpage của mình vào hoạt động để tiếp nhận phản ánh của người dân. Lúc đó cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Trong một bài trả lời phỏng vấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công khai trang mạng xã hội của mình có ý nghĩa cầu thị, nhưng tất cả các phát ngôn chính thức đều phải qua các kênh chính thức. Việc lần này Chính phủ thử nghiệm sử dụng Facebook để cung cấp thông tin liệu có phải đã có sự thay đổi trong nhận thức của cơ quan quản lý?
Đây là vấn đề đặt ra từ thực tiễn, là sự phát triển tiến bộ của xã hội mà chúng ta phải tranh thủ. Ví dụ ngày xưa chỉ có báo viết, sau đó là phát thanh, truyền hình... Chúng ta cần coi Facebook là một sự phát triển để cung cấp thông tin. Tất nhiên ở đây loại trừ việc lợi dụng để đưa tin sai trái, bịa đặt, nói xấu cá nhân, tổ chức, vi phạm tự do của người khác. Đó là chưa nói đến việc dùng Facebook phát ngôn trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước thì càng sai trái nữa.
Chúng ta xác định Facebook là công cụ phương tiện chứ không có tội lỗi gì. Mọi người nên tận dụng công cụ phương tiện này để phục vụ lợi ích tốt đẹp của cá nhân và xã hội. Chính phủ cũng nhận thấy điều đó, tận dụng Facebook như công cụ phương tiện để người dân tiếp cận gần hơn. Với trang thông tin đuôi gov.vn (thuộc các cơ quan Chính phủ), nhiều người ngại vào. Qua Facebook, Chính phủ gần với dân hơn, người dân cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn khi bình luận vào đó. Qua kênh này, người dân sẽ tiếp cận nhiều hơn với thông tin xã hội, nhiều sáng kiến, nhiều ý tưởng của chuyên gia. Nhiều ý kiến của người dân rất sáng tạo, Chính phủ nhận thấy đó là yêu cầu của cuộc sống, là mệnh lệnh với người làm chính sách.
* Trang Facebook của Chính phủ mới công bố nhưng đã có hàng loạt trang giả mạo với giao diện giống hệt làm người dân rất khó phân biệt. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các bình luận cũng là một thách thức. Theo ông, liệu những vấn đề này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thử nghiệm? Liệu có khả năng phải dừng lại không? Đến bao giờ Chính phủ sẽ sử dụng Facebook thành một kênh thông tin chính thức?
Đương nhiên vấn đề nào cũng có mặt trái. Có người lợi dụng các phương tiện này cho mục đích sai trái của họ nhưng Chính phủ sử dụng Facebook là phù hợp với yêu cầu hiện nay, đúng theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo cách đây vài tháng. Chính phủ sẽ làm sao vừa tìm hiểu, vừa triển khai, rút ra những bài học kinh nghiệm. Đương nhiên ngoài kênh này vẫn còn các kênh chính thống khác đưa thông tin lên mạng. Ai lợi dụng để chèn thông tin sai trái hay giả mạo là vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý thích đáng.
Bình luận (0)