Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam báo cáo lại quá trình chuẩn bị cho SEA Games 32, rà soát lại những công việc hậu cần để các đội tuyển, các HLV, các VĐV tham dự đại hội với tâm thế tốt nhất, sẵn sàng nhất cả về chuyên môn lẫn tinh thần.
Bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi thành viên của đoàn thể thao Việt Nam sẽ như một sứ giả, đại diện cho đất nước Việt Nam. Vì thế đoàn thể thao Việt Nam phải giữ hình ảnh, thi đấu trung thực, cao thượng, vì màu cờ sắc áo Tổ quốc. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị đoàn thể thao Việt Nam tiến hành lễ xuất quân vào tối 19.4 tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, trang trọng, chu đáo.
Lãnh đạo cao nhất của Bộ VH-TT-DL cũng quan tâm đến mức thưởng nóng cho các VĐV Việt Nam tham dự đại hội. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam, lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam tích cực kêu gọi các nguồn xã hội hóa, để giúp các VĐV giành thành tích cao tại SEA Games 32 có được mức thưởng nóng xứng đáng, ngoài mức thưởng theo quy định của nhà nước. Bộ VH-TT-DL đặt ra chỉ tiêu cho đoàn thể thao Việt Nam là phấn đấu đứng tốp 3 SEA Games 32. Trong đó đội U.22 Việt Nam và đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nỗ lực bảo vệ thành công HCV SEA Games.
Theo kế hoạch dự kiến, ngày 17.4, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng sẽ ký quyết định ban hành thành lập đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32.
Như Thanh Niên đã đưa tin, đoàn thể thao Việt Nam thay đổi nhân sự lãnh đạo. Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt giữ vai trò trưởng đoàn. 2 phó đoàn là ông Hoàng Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 Tổng cục TDTT và ông ông Ngô Ích Quân - Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 2.
Tổ trưởng tổ y tế là bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, nguyên bác sĩ của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam, 9 bác sĩ (chưa tính bác sĩ của đội bóng đá nam - 3 người, đội nữ - 2 người); 3 y sĩ; 7 kỹ thuật viên; 6 điều dưỡng; 1 y sinh.
Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 với 1.003 thành viên. Trong đó, đội điền kinh đông nhất (55 VĐV); thể thao dưới nước (bơi có 21 VĐV, nhảy cầu 5 VĐV, lặn 21 VĐV); cử tạ (12 VĐV); thể dục (TDDC có 6 VĐV, aerobic 8 VĐV); khiêu vũ thể thao; xe đạp (18 VĐV); karate (20 VĐV); judo (20 VĐV); taekwondo (21 VĐV); wushu (14 VĐV); pencak silat (20 VĐV); đấu kiếm (24 VĐV); jujitsu (15 VĐV); kick-boxing (17 VĐV); võ gậy (18 VĐV); kun khmer (21 VĐV); vovinam (32 VĐV); vật (18 VĐV); boxing (11 VĐV); kun botakor (9 VĐV); triathlon (11 VĐV); bóng đá (bóng đá nam, bóng đá nữ); bóng bàn (10 VĐV); cầu lông (14 VĐV); bóng chuyền (bóng chuyền bãi biển nữ và nam đều có 4 VĐV, bóng chuyền trong nhà nam và nữ đều có 14 VĐV); bóng rổ (5x5, 3x3); golf (7 VĐV); quần vợt (9 VĐV); cầu mây (17 VĐV); bi sắt (24 VĐV), billiards - snooker (12 VĐV); sailing (5 VĐV); cờ (cờ tướng có 8 VĐV, cờ ouk chatrang có 11 VĐV); thể thao điện tử (48 VĐV); đua thuyền truyền thống (28 VĐV).
Vì bóng đá nam và nữ thi đấu sớm nên đội U.22 Việt Nam sẽ sang Campuchia dự kiến vào ngày 28.4 còn đội nữ Việt Nam kết thúc chuyến tập huấn tại Nhật Bản về TP.HCM vào ngày 30.4 và bay luôn sang Campuchia.
Đoàn thể thao Việt Nam sẽ sang nước bạn, xuất phát từ Hà Nội và TP.HCM. Do không có chuyến bay thẳng nên cánh quân từ Hà Nội sẽ quá cảnh tại Viêng Chăn (Lào) trước khi tới Phnom Penh (Campuchia) với tổng thời gian 3 tiếng đồng hồ, trong khi các VĐV từ TP.HCM di chuyển thẳng khoảng 40 phút.
Tại SEA Games 32, Việt Nam tham dự 552/581 nội dung của 31 môn, phấn đấu giành 80-120 HCV để nằm trong tốp 3. Theo tính toán của ngành thể thao, do bị chủ nhà Campuchia cắt giảm nhiều môn, phân môn thế mạnh (như bắn súng, đua thuyền canoeing/rowing...) nên thể thao Việt Nam mất khoảng 50 HCV so với SEA Games 31.
Bình luận (0)