Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam chênh với nhiều nước

08/06/2015 19:03 GMT+7

(TNO) Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi thảo luận Quốc hội vào chiều 6.8.

(TNO) Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi thảo luận Quốc hội vào chiều 6.8.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thảo luận tại hội trường chiều 8.6 - Ảnh: Ngọc Thắng
Độ chênh rất lớn

Trước đó, vào sáng 8.6, khi phát biểu ý kiến, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho rằng thống kê số liệu xuất khẩu khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc chênh cả chục tỉ USD gây khó khăn cho công tác đánh giá, dự báo xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) trong nước.

Bộ trưởng Vinh cho biết việc chênh lệch mà đại biểu Tín nêu là hoàn toàn chính xác. Ông Vinh cũng thừa nhận hải quan quản lý chưa tốt, hàng nhập lậu vẫn ồ ạt vào Việt Nam tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định con số chênh lệch không thể lớn như vậy.

Phích nước Rạng Đông, bóng đèn Điện Quang rất có thương hiệu nên một số người sang Trung Quốc đặt hàng rồi xuất sang Việt Nam

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

“Số liệu xuất nhập khẩu hằng năm chúng tôi lấy từ hải quan. Ngoài ra số liệu thống kê được xử lý từ một tổ được thành lập từ 20 năm nay là Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương nên con số đưa ra khá chắc chắn và tin cậy”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng nêu một vấn đề khá mới là không chỉ số liệu xuất nhập khẩu mà Việt Nam đưa ra chênh với Trung Quốc mà còn chênh với số liệu của nhiều nước như Singapore, Nga, Bồ Đào Nha.

“Như chúng ta đưa ra số liệu nhập khẩu từ Singapore khoảng 9 tỉ USD nhưng phía Singapore lại đưa ra con số 14 tỉ USD. Số liệu của ta còn chênh với Nga. Hay như mới đây khi tôi sang Bồ Đào Nha, nước này đưa ra con số nhập khẩu chênh với Việt Nam tới 30%. Rõ ràng có sự chênh lệch số liệu giữa Việt Nam và nhiều nước”, ông Vinh nói.

Theo Bộ trưởng Vinh, lý do có sự chênh lệch về số liệu là do thế giới tính xuất khẩu theo giá FOB, nhập khẩu theo giá CIF còn Việt Nam lại có cách tính toán khác. 

Vẫn cần nguồn vốn FDI

Về những ý kiến trái chiều liên quan đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ trưởng Vinh cho biết vừa rồi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định kinh tế do đó hiện nay Việt Nam vẫn đang rất cần tới nguồn FDI. 

Theo ông Vinh, nếu không có vốn FDI thì kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Đơn cử như dự án của Samsung đã cam kết đầu tư hơn 11,3 tỉ USD vào Việt Nam và sẽ rót thêm hơn 3 tỉ USD nữa. Ngoài ra trung bình mỗi dự án của Samsung tạo việc làm cho 40.000 lao động với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng.

Tuy vậy ông Vinh cho biết dù vốn FDI tạo tác động tốt cho nền kinh tế nhưng Việt Nam cần đầu tư cho DN trong nước. Thậm chí ngay bản thân các DN FDI còn cho rằng nếu DN trong nước không phát triển thì sự đầu tư của DN FDI không đạt hiệu quả cao.

“Không ai muốn đặt nhà máy ở Việt Nam nhưng nhập 100% linh kiện từ nước ngoài về vì như thế sẽ không hiệu quả. DN FDI cũng không muốn như vậy”, ông Vinh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cần có một hệ thống bằng luật toàn diện về những hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Hiện Bộ kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng luật và hy vọng năm 2016 luật này sẽ được thông qua.

“Năng lực xúc tiến du lịch của Bộ còn khiếm khuyết”

Trước tình hình khách du lịch suy giảm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh thừa nhận năng lực xúc tiến du lịch của Bộ còn nhiều hạn chế. 

Ông Hoàng Tuấn Anh cho biết năm 2015, Thái Lan bỏ ra 80 triệu USD, Malaysia 100 triệu USD và Singapore 130 triệu để đầu tư xúc tiến du lịch. Trong khi đó Việt Nam được cấp ngân sách rất khiêm tốn, chỉ có 3 triệu USD.

Ngoài ra, muốn khách du lịch tăng trưởng, Việt Nam cần phải tiến hành miễn thị thực đơn phương cho một số nước, nhất là các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Ngành du lịch cũng tìm mọi cách để ngăn chặn tình trạng chặt chém, nâng giá phòng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.