Trong bài viết đăng trên chuyên san Foreign Policy ngày 18.10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ cũng như vấn đề an ninh khu vực.
Theo ông Carter, suốt nhiều năm qua mạng lưới an ninh châu Á - Thái Bình Dương với những móc xích liên minh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã giúp đảm bảo sự ổn định tại khu vực trước những thách thức an ninh.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ tập trung vào chiến lược tái cân bằng hay "xoay trục" về châu Á - Thái Bình Dương. Ông Carter viết: "Trong giai đoạn hai của chiến dịch tái cân bằng, Lầu Năm Góc đang tiếp tục triển khai một số nhân viên quân sự tốt nhất cùng các trang thiết bị quân sự tiên tiến nhất tới khu vực. Những khí tài này bao gồm các chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35, máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-8A Poseidon, máy bay vận tải quân sự V-22 Ospreys, máy bay ném bom B-2 và những chiến hạm tân tiến nhất của Mỹ".
Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc đang dành các nguồn lực để phát triển các trang thiết bị quân sự mới cần thiết cho chiến lược tái cân bằng. Trong đó, Mỹ đang gia tăng số lượng các tàu nổi mang các vũ khí hiện đại, đầu tư vào các tàu ngầm lớp Virginia, máy bay ném bom tầm xa mới B-21. Ngoài ra, Mỹ còn đẩy mạnh phát triển các công cụ khác phục vụ tác chiến điện tử và không gian mạng.
|
Nói về chiến lược tái cân bằng, ông Carter khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác an ninh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc. Theo ông, bộ ba này giúp phối hợp đối phó với khả năng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Hồi đầu năm 2016, ba bên đã tiến hành cuộc tập trận cảnh báo tên lửa đạn đạo lần đầu tiên. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh việc Mỹ quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc là một phần nỗ lực đối phó với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, theo Yonhap.
Bình luận (0)