Bộ trưởng Công an: Lực lượng an ninh, trật tự cơ sở khoảng 1,5 triệu người

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/09/2020 14:23 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sau khi thống nhất, tổ chức lại 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an bán chuyên, có khoảng 1,5 triệu người.

Tại phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11.9, trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc phát sinh biên chế, chi phí từ ngân sách cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 180.799 đơn vị cấp thôn (thôn, bản, làng, ấp, dân phố, đơn vị dân cư tương đương).
Theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, mỗi thôn phải lập một đội dân phòng trung bình khoảng 10 người thì nếu thành lập hết theo quy định tổng số thành viên của lực lượng dân phòng trên toàn quốc là 1,8 triệu người.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay mới thành lập được 23% trong số này (543.095 người). Cùng với đó, có khoảng 72.000 người bảo vệ dân phố ở các đô thị. Và trên 126.000 người là công an xã bán chuyên trách.
“Như vậy, tổng số các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách vào khoảng 2 triệu người”, Bộ trưởng Tô Lâm giải thích, và cho biết “đây là theo quy định của luật như vậy”.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng thông tin, trung bình mỗi người trong các lực lượng này được hưởng mức phụ cấp là 300.000 đồng/người/tháng. Theo đó, ngân sách nhà nước phải chi 600 tỉ đồng/tháng để trả; mỗi tỉnh cần khoảng 10 tỉ đồng/tháng.
"Đây là chi theo mức quy định của pháp luật chứ chúng tôi không tự xây dựng được con số đó”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, quy định tại dự thảo luật lần này thống nhất 3 lực lượng nói trên và bỏ chế độ chi trả phụ cấp hàng tháng thì tính trung bình một thôn có một tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở từ 5 - 10 người thì toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia lực lượng này.
“Con số này so với con số theo luật định kia giảm 50.000 người”, ông Lâm phân tích, và nói thêm đây là con số ước tính theo luật còn con số triển khai trên thực tế thế nào thì có thể khác.
Bộ trưởng Công an cũng cho biết, dự kiến trung bình hàng tháng, các địa phương chi hỗ trợ cho một chức danh thuộc lực lượng này khoảng 300.000 đồng từ ngân sách nhà nước. Mỗi tháng ngân sách cần khoảng 450 tỉ để chi trả cho khoảng 1,5 triệu người; mỗi tỉnh cần 7 tỉ đồng để đảm bảo chi trả.
“Như vậy, theo quy định của dự thảo luật thì hàng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỉ đồng từ ngân sách để chi trả hỗ trợ hoạt động của các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự trị an cơ sở”, ông Lâm phân tích và cho biết, cái này do ngân sách cấp tỉnh quyết định theo quy định chung, với mức tính cao nhất là như vậy. Nếu không đạt được các yêu cầu như vậy là tuỳ tình hình địa bàn các tỉnh.
"Thực tế tăng 800.000 biên chế"
Trước đó, nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, thực tế, khi triển khai quy định tại dự luật này thì nhân sự sẽ tăng lên. Cụ thể, từ hơn 741.000 người thuộc các lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên hiện nay lên 1,5 triệu người.
“Như vậy sẽ tăng lên khoảng 800.000 người so với thực tế hiện có”, ông Tùng cho biết và bày tỏ băn khoăn ngân sách sẽ phát sinh thêm chi phí cho số biên chế tăng thêm này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.