Bộ trưởng Công an Tô Lâm vừa thay mặt Chính phủ có báo cáo dự kiến giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tổ của đại biểu Quốc hội với dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Bộ trưởng Công an, về các hành vi bị nghiêm cấm tại điều 8 dự thảo luật, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong dự thảo luật lần này dựa trên quan điểm tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết. Quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.
Quy định, theo ông Lâm, cũng thống nhất với quy định của luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại khoản 6 điều 5 của luật này, quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm.
Cũng theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Bộ trưởng Công an cho biết vừa qua, sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.
Do đó, với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ông Tô Lâm khẳng định Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.
‘Né' đo nồng độ cồn bị xử phạt như thế nào?
Cấm tuyệt đối là không thực tế, quá nghiêm khắc
Trước đó, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của Tổng thư ký Quốc hội về dự án luật này cho hay, có 10 ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn như dự thảo luật và nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định về mức tỷ lệ cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đại biểu Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, cho rằng khi vừa uống rượu, bia mà tham gia giao thông thì phải phạt. Tuy nhiên, buổi tối người dân uống rượu sáng hôm sau người ta đi làm, trong máu có nồng độ cồn bị phạt thì "cũng băn khoăn"; hoặc người ta đi uống buổi trưa, buổi tối đêm đi xe lại bị phạt vì trong máu vẫn còn nồng độ cồn", ông Hiệp nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) thì dẫn ví dụ ở Phần Lan, nếu uống 1 chai bia trong vòng 1 tiếng thì đảm bảo chất kích thích không còn đủ tác động và có thể điều khiển được xe. Trường hợp uống 2 chai bia thì sau 3 tiếng có thể điều khiển được xe. Trong khi ở Việt Nam lại cấm tuyệt đối.
"Thí dụ tối qua uống một tí rượu thì sáng nay nồng độ vẫn còn và vi phạm. Cái đấy là không thực tế. Tối qua liên hoan uống một chút, sáng nay họp vẫn tỉnh táo, vẫn phát biểu có làm sao đâu", ông Huân nêu.
Cạnh đó, theo đại biểu Huân, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp rượu bia, ảnh hưởng thu nhập của khu vực lao động phi chính thức.
Từ đó, đại biểu này nêu quan điểm có thể áp dụng kinh nghiệm của Phần Lan như nêu trên; đồng thời phải quy định nồng độ cồn ở mức nào thì không được lái xe chứ "không nên cấm tuyệt đối là không có nồng độ cồn".
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Lý do, quy định như vậy quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Nhóm ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với quy định của bộ luật Hình sự.
Bình luận (0)