Chiều 13.8, tiếp tục phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu câu hỏi: Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua đã xảy ra gian lận nghiêm trọng, theo Bộ trưởng thì đây là loại tội phạm gì? Có mới không? Liệu những năm trước đã có chưa? Bộ Công an có bất ngờ với loại tội phạm này không và cần làm gì để đấu tranh chống loại tội phạm thi cử này một cách hiệu quả trong những kỳ thi tới?
[VIDEO] Khởi tố, bắt giam 2 cán bộ trong vụ án gian lận thi cử ở Hòa Bình - Video tư liệu
|
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, liên quan tới việc gian lận thi cử xảy ra tại một số địa phương thời gian vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với Công an các địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo giải thích của Bộ trưởng Công an, đây là những người được giao nhiệm vụ tham gia chấm thi, quản lý bài thi, đề thi và họ đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, tội phạm này được xác định là phạm Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Lâm cũng cho hay, hoạt động gian lận trong các kỳ thi THPT không phải tới nay mới có, mà có thể những năm trước đã có tình trạng này.
"Điển hình chúng tôi đã khảo sát các cháu điểm đầu vào rất cao nhưng đưa vào học ở các đại học yêu cầu cao thì không học được. Tuy nhiên, thủ tục, điểm chấm, bài chấm đã là quy định nên muốn thay đổi cần có sự đánh giá, tính toán", ông Lâm nói.
[VIDEO] Cán bộ an ninh nói về gian lận thi cử ở Hà Giang - Video tư liệu
|
Để phòng chống các hành vi gian lận trong thi cử, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo để đưa ra quy trình quản lý từ khâu ra đề, chấm thi và tuyển sinh chặt chẽ, để không có sở hở cho các đối tượng này lợi dụng.
Có xử lý các cán bộ công an được phân công tham gia kỳ thi?
Tiếp tục chất vấn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nhận định sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua là rất nghiêm trọng, khiến người dân mất niềm tin.
Tuy nhiên, theo ông Cương, lực lượng công an được mời tham gia quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ở nhiều khâu, song sự việc gian lận xảy ra tại các địa phương cho thấy, lực lượng công an tại đó không giúp gì cho việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
"Đâu là trách nhiệm của công an địa phương trước những sai phạm trong kỳ thi vừa qua? Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Công an xử lý thế nào đối với lực lượng công an khi có tham gia vào kỳ thi?", ông Cương nêu.
Bộ trưởng Tô Lâm đồng tình hành vi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới công bằng xã hội, đạo đức xã hội, nguồn nhân lực, công bằng trong lựa chọn nhân tài của đất nước.
[VIDEO] Thủ đoạn "phù phép" điểm thi ở Hà Giang - Video tư liệu
|
Ông Lâm cũng cho hay, lực lượng công an được giao tham gia phối hợp nhiều khâu, và cũng có quy chế để lực lượng này không vi phạm. Tuy nhiên, tại kỳ thi vừa qua, cũng có dấu hiệu lực lượng này vi phạm, can thiệp, móc nối với những người có trách nhiệm trong hội đồng thi...
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, nếu có vi phạm thì bất kể đối tượng nào đều sẽ bị xử lý một cách thích đáng.
Bình luận (0)