Chỉ học 7 môn chính, có nhiều thời gian đầu tư ôn thi đại học sớm... là lý do khiến nhiều học sinh đang học THPT công lập bỏ ngang để học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Hiện nay có tình trạng học sinh bỏ trường THPT ra học ở TT GDTX nhằm mục đích học ít môn để dễ luyện thi đại học - Ảnh: Đ.N.T |
Học sinh giỏi cũng đi
Đang học Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) Trần Minh Thái xin chuyển qua Trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) Chu Văn An (Q.5) với lý do để có nhiều thời gian tập trung ôn thi đại học.
“Khi Thái chuyển trường, tôi thấy rất nghi ngờ vì đang học Trường Nguyễn Thượng Hiền, một trường có truyền thống học rất tốt và cũng không dễ vào, việc Thái chuyển qua học ở TT GDTX chắc chắn là có vấn đề. Nghĩ thế, nên tôi xác minh và được biết ở trường cũ, Thái có lực học giỏi, thậm chí được nhiều thầy cô nhận xét là rất thông minh, đặc biệt thích môn sử. Vì muốn đầu tư nhiều thời gian cho khối thi của mình nên đầu năm lớp 12, Thái chuyển qua học ở trung tâm. Chúng tôi cũng không bất ngờ khi sau đó Thái đoạt giải nhất trong đợt thi học sinh (HS) giỏi toàn thành phố môn lịch sử”, ông Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc TT GDTX Chu Văn An cho biết.
Tương tự là trường hợp Vũ Hoàng Khánh Ngân (lớp 12A1, TT GDTX Q.10). “Trước khi chuyển từ Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình) qua đây em đã tìm hiểu khá rõ về TT. Được biết, chương trình học của TT GDTX có 7 môn: toán, lý, hóa, văn, sinh, sử, địa. Những môn như thể dục, công nghệ, giáo dục công dân không phải học. Em nghĩ đó là một thuận lợi với HS lớp 12 khi sắp bước vào một kỳ thi lớn cần đầu tư thời gian nhiều”, Ngân giải thích.
Trần Thảo Vy (12A1, quê Bạc Liêu) cho biết: “Gia đình em ở Bạc Liêu nên em học từ lớp 1 tới lớp 11 ở quê nhưng tới đầu năm lớp 12 em chuyển lên thành phố học ở TT GDTX để có điều kiện ôn thi”. Vy cũng cho biết: “Mục tiêu chính của em là thi đậu đại học. Em thấy với nền kiến thức của mình hiện tại cộng thêm việc ôn thi bên ngoài và tự học ở nhà thì việc thi đậu tốt nghiệp là không khó. Nên hiện tại em dành hầu hết thời gian tập trung học các môn thi đại học”.
Chọn TT GDTX ở TP.HCM để theo học năm lớp 12 cũng là một “chiêu” của học sinh phổ thông ở tỉnh muốn vào TP sớm để có điều kiện ôn thi đại học tốt hơn. Nhưng chuyển vào trường công thì khó, mà trường tư thì học phí đắt đỏ, thì TT GDTX là một lựa chọn chiến thuật: học ít môn, học phí thấp, tiện luyện thi ĐH mà khi hưởng ưu tiên khu vực vẫn được tính khu vực nơi đã học 2 năm phổ thông trước đó.
Nhiều thời gian ôn thi vào đại học !
Hiện đã là sinh viên năm thứ 2 ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Huỳnh Hoài Phong Sơn vẫn hào hứng khi nhớ lại kế hoạch chuyển trường mà theo Sơn nó là quyết định đúng đắn. Ngoài Sơn còn có 5 HS cùng lớp tham gia kế hoạch chuyển trường. Cả 5 đều là HS khá giỏi đang học lớp tuyển của trường ở Đồng Tháp và sau này đều đậu vào các trường đại học lớn ở TP.HCM. Một thành viên trong nhóm cho biết: “Ý định lên thành phố học ở TT GDTX Q.10 của tụi em có từ nửa năm trước. Chúng em nghiên cứu rất kỹ, ngoài ra còn tham khảo ý kiến của rất nhiều thầy cô và các anh chị đi trước. Và các ý kiến đều cho rằng việc học cấp 3 ở đâu không quan trọng mà lợi ích lớn nhất khi lên thành phố học ở TT GDTX là chúng em sẽ có nhiều thời gian và có điều kiện ôn thi với những thầy giỏi và có kinh nghiệm. Việc học các môn thi đại học cũng sẽ tập trung hơn”.
Sơn cũng cho biết: “Qua việc bỏ trường công lập để lên thành phố trọ học ở TT GDTX chúng em muốn tự tạo áp lực là đã lên thành phố học thì phải đạt được kết quả tốt. Thêm một thuận lợi là khi vào học ở các TT GDTX chúng em được có quyền được nêu ý kiến muốn học trọng tâm phần nào, giảm nhẹ phần nào các thầy sẽ tạo điều kiện hết sức”.
Nguyễn Thanh Phong (hiện là sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM) nhớ lại: “Lúc mới chuyển qua học TT GDTX ở TP.HCM vì quyết tâm bằng mọi giá phải đậu đại học nên em đăng ký rất nhiều lớp luyện thi. Lịch học ôn của em lúc ấy dày đặc bởi vậy khi trường ra thông báo tăng tiết em rất bối rối. Em đã gặp thầy chủ nhiệm ý định xin bỏ học tăng tiết thì lúc ấy thầy đã động viên và đi gặp cô hiệu trưởng xin dời lịch học tăng tiết cho phù hợp với lịch ôn thi tụi em. Điều này em cho rằng sẽ không bao giờ gặp được ở các trường phổ thông”.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc TT GDTX Q.10 cho biết: “Vì có thời gian nhiều tập trung vào các môn thi đại học và có mục đích rõ ràng nên gần như 100% HS ở các trường THPT chuyển qua đều thi đậu đại học. Thậm chí là đậu những trường đỉnh với số điểm rất cao”.
Ý kiến:
Chất lượng ngang bằng trường phổ thông
“Mấy năm gần đây chất lượng giảng dạy ở các TT GDTX được củng cố và nâng cao. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2014 - 2015 của một số TT GDTX khá cao, đạt ngang bằng với các trường THPT.
Ngoài 7 môn học bắt buộc, học viên các lớp ban ngày vẫn được học các môn: tiếng Anh, tin học, giáo dục công dân. Giáo viên ở TT GDTX cũng được đào tạo và tuyển dụng hoàn toàn giống như giáo viên ở trường THPT...”.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Không cần thiết phải chuyển sang hệ GDTX nhằm mục đích luyện thi
Việc chuyển loại hình học tập như vậy là không hợp lý. Vấn đề hiện nay là học sinh cần học để có kiến thức phổ thông từ đó nâng cao lên phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Bên cạnh đó, cấu trúc đề thi đại học hiện nay không đòi hỏi những kiến thức hàn lâm, phải đi ôn luyện thi mới đậu như trước nên cũng không cần thiết phải chuyển sang hệ GDTX nhằm mục đích đó.
Các TT GDTX vẫn có thể nhận học sinh nếu còn chỗ. Tuy nhiên, cần trở lại mục tiêu của GDTX là tạo cơ hội học tập cho những người không có điều kiện đi học, phải vừa học vừa làm...
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM)
|
TT GDTX có nhiều chức năng như tổ chức dạy và thực hành kỹ thuật nghề nghiệp, các hoạt động lao động sản xuất... tuy nhiên hiện nay các TT GDTX trên địa bàn thành phố chủ yếu là tuyển sinh và giảng dạy các lớp theo chương trình bổ túc văn hóa. Theo quy định, những học viên ở TT GDTX chỉ học các môn: toán, lý, hóa, văn, sử, địa, sinh. Các môn giáo dục công dân, ngoại ngữ, tin học chỉ là khuyến khích, TT nào có điều kiện thì tổ chức dạy nhưng không ghi điểm trong học bạ.
|
Bình luận (0)