Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 16.3, mặc dù Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo khá chi tiết cũng như trả lời rất nhiều câu hỏi về tình hình cung ứng xăng dầu như cam kết đủ nguồn cung, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt, giá xăng trong nước tăng thấp hơn thế giới… nhưng nhiều đại biểu (ĐB) vẫn tiếp tục truy đến cùng với những câu hỏi khá hóc búa.
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đặt vấn đề là liệu rằng tới đây nhà điều hành có thể giảm giá xăng dầu khi mà chính sách giảm thuế được thông qua?
Trong khi ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) thì nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên cần điều hành khoa học, chặt chẽ. Nữ ĐB chia sẻ khó khăn của nhà điều hành vì tình hình thế giới căng thẳng nhưng cảnh báo rằng nguy cơ thiếu xăng dầu có thể gây gián đoạn sản xuất và đặt vấn đề có cần dự trữ quốc gia khi mà nhà máy lọc dầu lớn nhất nước (Nghi Sơn) vẫn chưa rõ khả năng duy trì sản xuất?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên |
gia hân |
Đáp lại, Bộ trưởng Diên cho hay, việc giảm hay không còn tuỳ vào thị trường thế giới.
Ông Diên “chỉ cam kết nếu giá thế giới tăng cao thì cố gắng điều hành sao để trong nước tăng ở mức có thể chấp nhận được”. “Công cụ ở đây là Quỹ bình ổn, thuế, phí. Nếu dùng thuế, phí và Quỹ hết cỡ rồi thì có thể tính đến áp dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng dùng nhiều xăng dầu. Tuy nhiên, cơ cấu thuế, phí hiện nay phức tạp”, ông Diên nói, đồng thời hướng về phía Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và đề nghị “anh giúp em tí”!
Với vấn đề dự trữ, Bộ trưởng Diên cho biết, có thể dự trữ bằng hàng hoặc bằng tiền. Bên cạnh đó, trước mắt phải đảm bảo duy trì công suất của Nhà máy Dung Quất cũng như tính chuyện nâng công suất, mở rộng nhà máy này bởi hoàn toàn do Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) đầu tư, làm chủ.
Nghi Sơn - "ẩn số trong phương trình xăng dầu"
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Kim Bé (Kiên Giang) tranh luận rằng, dù Bộ trưởng nói “nguồn cung không thiếu nhưng chủ yếu là nhập khẩu”. “Vậy vai trò của các nhà máy sản xuất thế nào trong vấn đề bình ổn nguồn cung, giá cả?”, ĐB chất vấn.
Bộ trưởng thừa nhận “đây là ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung xăng dầu”.
Tuy nhiên, ông Diên cho rằng, trước đây chúng ta không có nhà máy sản xuất song cũng không thiếu xăng dầu. Tương tự, các nước có nhà máy sản xuất đi nữa nhưng giá xăng cũng không có giá chênh quá xa với thế giới.
Đi sâu vào vấn đề của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng cho biết, “khó khăn của họ là vấn đề tài chính. Và PVN với tư cách là một bên trong liên danh đã báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn cũng như đang phối hợp các cơ quan chức năng để đấu tranh với liên danh thực hiện đúng yêu cầu, cam kết về cung cấp xăng dầu”.
“Bộ Công thương cam kết khi nào Ủy ban Quản lý vốn, PVN cam kết giao đúng sản lượng từ nhà máy này theo kế hoạch đã cam kết thì mới dừng nhập khẩu nước ngoài. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét triệt để. Quốc hội cũng đã có chuyên đề giám sát nên chúng ta cũng sẽ chờ kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế”, ông Diên nói thêm.
Bình luận (0)