Bộ trưởng GD-ĐT muốn biết 'tâm trạng của giáo viên' khi thực hiện chương trình mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/04/2023 16:06 GMT+7

Khẳng định mức độ đổi mới của giáo viên sẽ thể hiện mức độ thành công của đổi mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng cần làm rõ tâm trạng giáo viên ra sao, họ được hỗ trợ như thế nào khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Cổng thông tin Bộ GD-ĐT đã tường thuật buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh Hưng Yên mới đây về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó tiếp tục nổi lên vấn đề về đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng GD-ĐT muốn biết 'tâm trạng của giáo viên' khi thực hiện chương trình mới   - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong buổi làm việc tại Hưng Yên

MOET

Đề nghị tạm thời chưa tinh giản biên chế

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Hưng Yên còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục bậc THCS công lập của tỉnh còn thiếu so với định mức giáo viên/lớp. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh thiếu 882 giáo viên các cấp.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ. Việc biên soạn tài liệu địa phương còn gặp khó khăn trong in ấn, phát hành do công tác đấu thầu. Việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên thông qua hình thức trực tuyến ảnh hưởng đến chất lượng bồi dưỡng…

Để việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới thuận lợi và đạt hiệu quả, tỉnh Hưng Yên kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên, nhằm ưu tiên và hỗ trợ đảm bảo thu nhập cho giáo viên.

Kiến nghị Chính phủ giao chỉ tiêu biên chế giáo viên đảm bảo đáp ứng việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xem xét, triển khai một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định 116 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền tạm thời chưa áp dụng tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Bộ GD-ĐT sớm ban hành quy định về định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông…

Tâm trạng của giáo viên thế nào, được hỗ trợ ra sao...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị báo cáo của địa phương cần tăng yếu tố chuyên môn bởi đây là "linh hồn của đổi mới".

Ngoài ra, cần đánh giá thêm về những thay đổi của hoạt động dạy và học khi chương trình mới trao quyền chủ động, sáng tạo nhiều hơn cho địa phương, nhà trường, giáo viên.

"Giáo viên có gì thay đổi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới? Tâm trạng giáo viên ra sao? Giáo viên đã được hỗ trợ chưa", ông Sơn đặt những câu hỏi này với yêu cầu làm rõ trong báo cáo. Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định: mức độ đổi mới của giáo viên sẽ thể hiện mức độ thành công của đổi mới.

Ông Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ mong muốn: "Lãnh đạo địa phương đã quan tâm thì tiếp tục chỉ đạo, ưu tiên đầu tư. Công cuộc đổi mới này phải có đầu tư đặc biệt, nhất là năm 2023, 2024, trọng tâm đổi mới rơi vào 2 năm này. Lúc này cần trường học, lớp học, thiết bị, cần giáo viên... Nếu không cố gắng con em sẽ thiệt thòi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.