Cổng Thông tin điện tử Bộ GD-ĐT mới tường thuật buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội khi tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại TP.Hà Nội.
Trưởng đoàn giám sát là bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội. Trong các thành viên đoàn giám sát có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội.
Tại Trường THCS Bế Văn Đàn (Q.Đống Đa, Hà Nội), đoàn giám sát đã trực tiếp đặt câu hỏi tới cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới và tới khảo sát các lớp học, lắng nghe chia sẻ của học sinh.
Trả lời câu hỏi của đoàn giám sát “nếu được chọn tiếp tục chương trình 2018 hoặc quay về chương trình 2006 sẽ chọn phương án nào”, bà Phạm Thu Huyền, giáo viên dạy ngữ văn Trường THCS Bế Văn Đàn, nêu quan điểm, đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một chuyển đổi lớn và là tất yếu, không thể cưỡng lại được, giáo viên dù vất vả nhưng đó là giáo dục đòi hỏi.
“Dạy theo tiếp cận năng lực là xu thế, không thể thay đổi. Đặc biệt, thời kỳ công nghệ đòi hỏi thầy cô phải dạy bằng phương pháp, kỹ năng, tư cách đạo đức của chính mình”, bà Huyền nói.
Trao đổi tại buổi làm việc với chính quyền địa phương và đại diện các nhà trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định quan điểm "không thể bàn lùi" trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Kim Sơn nhấn mạnh triển khai chương trình là thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch của TP.Hà Nội... Chương trình đã có một quá trình lấy ý kiến từ nhiều phía, khảo sát xã hội rất lớn.
Đây là một bản đại thiết kế, một kịch bản rất hệ trọng cho giáo dục. Trong quá trình tiến hành phải kịp thời nhận diện các vấn đề, nhất là triển khai trong tình hình mỗi địa phương một điều kiện. Làm sao để vừa tạo tiền đề cho nhóm có điều kiện phát triển, chú ý được số đông và hỗ được cho nhóm khó khăn.
Đề cập tới vai trò quan trọng của chính quyền địa phương, ông Kim Sơn cho rằng, chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc thực sự thì những khó khăn như thừa thiếu giáo viên, tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ… mới giải quyết được.
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, đến thời điểm này, dù việc triển khai vẫn đang trong quá trình thực hiện, chưa nhìn thấy kết quả song cần đánh giá từng chặng, từng bộ phận, lãm rõ những việc đã làm tốt, những việc còn vướng mắc. Đặc biệt, phải đánh giá được "phần lõi" là lực lượng nhà giáo, sự vào cuộc của đội ngũ, những thay đổi về kỹ năng, phương pháp của nhà giáo - khâu quyết định của đổi mới; cùng với đó là những thay đổi trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, quản trị trường học…
"Đổi mới là quá trình, không thể trong một sớm, một chiều. Quyết tâm triển khai cao nhưng cần hết sức bình tĩnh, tự tin, làm tốt từng việc. Những cái cơ bản, cốt lõi, không thể khác thì cần làm ngay, còn lại hoàn thiện dần và tăng cường kiến nghị", ông Kim Sơn nhấn mạnh.
Bình luận (0)