Bộ trưởng GD-ĐT: 'Sách giáo khoa là học liệu, có cần một bộ của Nhà nước không?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/08/2023 15:47 GMT+7

Phát biểu tại phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ kiến nghị về việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Chiều 14.8, tại phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phát biểu tại phiên giám sát, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (sau đây gọi tắt là Đoàn giám sát) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc bỏ kiến nghị về việc nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Ông nói, trong phiên làm việc giữa Đoàn giám sát và Chính phủ cuối tháng 7, ông cũng đã nêu một số ý kiến phân tích và kiến nghị về việc này. 

Bộ trưởng GD-ĐT: 'Sách giáo khoa là học liệu, có cần một bộ của Nhà nước không?' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giám sát

GIA HÂN

"Dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói. 

Người đứng đầu ngành giáo dục phân tích, Nhà nước, cụ thể là Bộ GD-ĐT nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh. Trong khi đó, sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học. 

"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không? Cảm ơn Đoàn giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, nhưng cách quan tâm này liệu đã phù hợp với sách giáo khoa với tư cách tồn tại mới của chúng?", Bộ trưởng Sơn nói.

Ông Sơn phân tích, điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới. Bộ GD-ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. 

Bộ trưởng GD-ĐT: 'Sách giáo khoa là học liệu, có cần một bộ của Nhà nước không?' - Ảnh 2.

Phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

GIA HÂN

Do đó, việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa. "Hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp", ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, nếu lo lắng về an toàn, an ninh sách giáo khoa thì điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5, 9, 12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định… 

Ông Sơn cũng cho biết, đề nghị này cũng rất khác với nội dung Nghị quyết số 122 năm 2020 (Nghị quyết kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV) cho phép Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. 

"Hiện nay, tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn. Vậy thì tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề", ông Sơn nói.

Làm sao cho đủ giáo viên, thu nhập đủ để giáo viên sống bằng nghề

Từ các phân tích nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, như đánh giá trong phần đầu của báo cáo giám sát đã nêu, việc triển khai đã đạt được những kết quả quan trọng đáng ghi nhận, đã tạo chuyển biến tích cực. 

Bộ trưởng GD-ĐT: 'Sách giáo khoa là học liệu, có cần một bộ của Nhà nước không?' - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, vấn đề quan trọng nhất lúc này là làm sao đủ giáo viên, thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề

GIA HÂN

Điều đó chứng tỏ chủ trương là đúng, đường đi là đúng, cách làm đang đúng, đúng về cái lớn, cái căn bản. Hiện nay đang giữa chặng đường, những khó khăn, vướng vấp ban đầu là khó tránh khỏi, nhưng nó đang được khắc phục, cải thiện và ngày càng tốt thêm. 

Do đó, theo ông Sơn, vấn đề lớn lúc này là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chiều chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới.

"Sau năm 2025, khi có những sản phẩm đầu ra thực sự của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn nếu có", ông Sơn nêu.

Từ đó, ông Sơn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài nghị quyết giám sát chuyên đề này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục.

"Cần có nhất lúc này là một nghị quyết giao cho Bộ GD-ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục. Đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt, yên tâm với công việc nặng nhọc, nhiều áp lực", ông Sơn nói. 

Ông Sơn phân tích, nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Giới hạn của số lượng và chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo là giới hạn của đổi mới và giới hạn chất lượng giáo dục. 

Bên cạnh đó, cũng cần đủ trường lớp, trường lớp được kiên cố, khang trang, đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa, đủ nhà vệ sinh cho trường học, đủ trang thiết bị cho giáo dục, đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động… 

"Nếu không có những cái tối thiểu đó thì ngành giáo dục, các nhà giáo có nỗ lực mấy cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo của Đoàn giám sát đánh giá, việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

"Trong thực tiễn, việc thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" cùng với việc Bộ GD-ĐT không biên soạn một bộ sách giáo khoa gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa. Cử tri tại nhiều địa phương đề nghị thực hiện một bộ sách thống nhất trong phạm vi toàn quốc hoặc một địa phương", báo cáo nêu.

Báo cáo giám sát cũng dẫn báo cáo của Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho hay, có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị nên có một bộ sách giáo khoa để sử dụng chung.

Từ đó, trong các giải pháp nhằm quản lý nhà nước và triển khai thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.