Bộ trưởng GTVT: Nhiều nước châu Âu đường chỉ 2 làn xe, nhưng ý thức rất tốt

Mai Hà
Mai Hà
26/10/2024 13:23 GMT+7

Bộ trưởng GTVT cho biết ông đi châu Âu nhiều tuyến vẫn 2 làn xe, 4 làn xe không làn dừng khẩn cấp, nhưng 'người ta đi ý thức rất tốt, không nhất thiết đường phải to phải rộng'.

Sáng 26.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách. Đề cập đến vấn đề giao thông, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho biết cử tri rất băn khoăn vì sao cao tốc 2 làn xe mà không có làn dừng khẩn cấp.

"Mong ngành giao thông tiếp tục rà soát, tuyến nào chưa thì làm các làn dừng khẩn cấp, xử lý tình huống để có điểm thoát, tránh ùn tắc khi xảy ra tai nạn giao thông", ông Nghĩa nêu.

Bộ trưởng GTVT: Nhiều nước châu Âu đường chỉ 2 làn xe, nhưng ý thức rất tốt- Ảnh 1.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ)

ẢNH: GIA HÂN

Bên cạnh đó, ông Nghĩa đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh kết nối tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, có vai trò rất quan trọng trong kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đầu tư các tuyến cao tốc.

Đại biểu Nghĩa dẫn lại câu chuyện thiếu nguyên vật liệu, theo đó, đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai khẩn trương 600 km trục dọc và 600 km trục ngang trên địa bàn vùng. Các tỉnh, thành ở đây đang rất nỗ lực phối hợp với Bộ GTVT triển khai nhưng "khan hiếm cát là bài toán rất trăn trở của các địa phương". Cần Thơ đang bàn với Đồng Tháp, An Giang kết nối Bến Tre để kiếm mỏ cát.

Trong khi đó, dự án trọng điểm của địa phương cũng cần nguồn cát, nên theo ông Nghĩa, cần tính toán phương án có thể thi công đường cao tốc bằng phương án cầu cạn trên cao.

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt nâng cấp cao tốc 2 làn.

"Cá nhân tôi đánh giá trước đây Quốc hội, Chính phủ quyết định triển khai 2 làn là hợp lý, vì thực tế nhiều tuyến trước đây lưu lượng xe rất thấp, sau một thời gian phát triển rất dài thì nhu cầu nâng cấp là đương nhiên", Bộ trưởng GTVT nói và cho biết bộ này đang nâng cấp các tuyến 2 làn lên 4 làn xe và một số tuyến 4 làn hạn chế lên đầy đủ và lớn hơn.

Dẫn ra câu chuyện giao thông tại nước ngoài, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay ông "đi châu Âu, nhiều nước chỉ có 2 làn xe, hoặc 4 làn không làn dừng khẩn cấp nhưng người ta đi ý thức rất tốt, đến đoạn đó chấp nhận đi chậm lại từ tốn".

Bộ trưởng GTVT: Nhiều nước châu Âu đường chỉ 2 làn xe, nhưng ý thức rất tốt- Ảnh 2.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

ẢNH: GIA HÂN

Ông cũng ví dụ như khi sang Singapore, đường sá sạch sẽ cầm mẩu giấy trên tay ném xuống cũng thấy ngại. Ý thức là cả một quá trình, phải có giải pháp tập trung xây dựng văn hóa giao thông.

Không nhất thiết đường phải to phải rộng. Theo thống kê, hơn 90% nguyên nhân tai nạn đến từ ý thức người tham gia giao thông. Đường càng to ý thức không cao thì tai nạn càng thảm khốc. Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phải có nhiều giải pháp thay đổi thói quen, văn hóa giao thông.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

Về các dự án đường sắt, theo Bộ trưởng GTVT, ngoài dự án đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM đang trình Quốc hội, hiện có 3 dự án đường sắt lớn đang được xúc tiến triển khai, gồm tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

"Bộ GTVT đang được giao trách nhiệm triển khai 3 tuyến này, trong đó có tuyến thuộc thành phần đường sắt Bắc - Nam là Lạng Sơn - Hà Nội. Dự kiến đề xuất khai thác khổ tiêu chuẩn chở cả người và hàng, tốc độ khoảng 200 km/giờ. Trước đây đường sắt khổ tiêu chuẩn 200 km/giờ là tốc độ cao, nhưng bây giờ là bình thường", ông Thắng nói.

Làm xong đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, từ TP.HCM về miền Tây chỉ 1 tiếng

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, tuyến TP.HCM - Cần Thơ, Bộ GTVT chuẩn bị hoàn thành báo cáo tiền khả thi để trình Chính phủ và Quốc hội. Dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn với tốc độ khoảng 190 km/giờ chở người và chở hàng khoảng 120 km/giờ.

Dự án dài 174 km, với tổng nguồn vốn hơn 9 tỉ USD (khoảng 220.000 tỉ đồng), chia 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 khổ đơn giải phóng mặt bằng, vốn khoảng 155.000 tỉ đồng, cần khai thác cả hàng hóa do nhu cầu hàng rất lớn. "Nếu làm được tuyến đường sắt này, từ TP.HCM đi miền Tây chỉ còn 1 tiếng", ông Thắng nói.

Về vật liệu san lấp, tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay theo trữ lượng không thiếu, nhưng theo ông Thắng, trong nhiệm kỳ này triển khai cùng lúc nhiều tuyến cao tốc làm nhu cầu tăng lên đột biến, nên nhiều khi làm theo quy trình thủ tục rất mất thời gian.

Theo đó, cát sông đã bố trí cấp phép khoảng 40 triệu m3, hiện còn khoảng 32 triệu m3 các địa phương đang làm thủ tục cấp phép. Với cát biển thay thế tại các tuyến cao tốc Bắc - Nam, hiện Sóc Trăng đã làm được 5,5 triệu m3 cho cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ, sẽ giảm áp lực đáng kể cho cát sông.

"Trữ lượng cát biển thì riêng Sóc Trăng có khoảng 14 tỉ m3 cát biển. Bộ GTVT sẽ cho mở rộng thí điểm các cao tốc phía bắc và miền Trung. Cuối năm nay sẽ công bố rộng rãi cát biển làm vật liệu xây lắp cho toàn quốc", ông Thắng nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, vừa rồi có chuyên gia nói khai thác cát biển dẫn đến sạt lở, nên khai thác mức độ vừa phải để phục vụ phát triển kinh tế, không tác động tiêu cực đến môi trường.

Trước đề xuất của nhiều tỉnh miền Tây muốn làm cầu cạn với một số tuyến cao tốc, Bộ trưởng GTVT nêu: "Quan điểm Bộ GTVT rất mong muốn và đang nghiên cứu quyết liệt. Khó khăn vướng mắc lớn nhất là giá thành, theo tính toán giá gấp 3,1 lần thông thường, cố gắng kéo xuống cũng gấp 2,5 lần. Nếu làm trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay thì không làm được".

Bên cạnh đó, theo ông, miền Tây mênh mông rất đẹp, cầu cạn chỉ cao hơn mặt đường chút, nên về không gian phát triển cần phải nghiên cứu. Thực tế có những quốc gia làm đường trên cao rất nhiều, nhưng đến giờ thấy có vấn đề về mặt không gian, do đó phải nghiên cứu kỹ lưỡng, bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.