Chiều 18.3, nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp cho tình trạng người lao động, chủ yếu là giới trẻ bị lừa đi lao động cưỡng bức ở nước ngoài với khẩu hiệu "việc nhẹ lương cao" nhưng thực ra làm việc trong các sòng bạc bất hợp pháp, cơ sở mại dâm.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân", đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho biết, hiện nay, việc gia tăng số lượng công dân Việt Nam bị lừa đảo đi làm "việc nhẹ lương cao", bị cưỡng bức lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp và đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm, ngoài các giải pháp trong báo cáo của Bộ thì cần có những giải pháp mang tính chiến lược như nào để giải quyết căn cơ tình trạng này trong thời gian tới?", đại biểu Xuân chất vấn.
Hồi đáp các đại biểu, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, tình trạng dụ dỗ, lừa đảo, cưỡng bức lao động diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp.
Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.
Bộ trưởng Ngoại giao cũng dẫn chứng vụ việc tại Philippines mới đây, Ủy ban Chống tội phạm của nước bạn phát hiện 800 người, trong đó có mấy chục người Việt tham gia sòng bạc và buôn bán tiền điện tử, cũng phải xử lý.
"Phải chặt đứt đường dây này, không để tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, cần chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ đưa về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động.
Về quy trình xử lý trong bảo hộ công dân, Bộ trưởng Ngoại giao nhìn nhận, vừa qua đặt ra các vấn đề quan trọng về việc xác lập cơ chế để xử lý khủng hoảng trong vấn đề di cư xuyên biên giới, tội phạm. Bộ Ngoại giao đã thành lập ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng, khi có sự cố xảy ra thì có phương án xử lý phù hợp kịp thời.
"Thế giới còn tiếp tục xảy ra và di cư sẽ còn tiếp diễn. Chúng tôi cũng đang lập ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng, xây dựng quy trình cụ thể, tới đây trình Phó thủ tướng. Từ các bài học xử lý khủng hoảng thời gian qua để rút thành quy trình cụ thể để xử lý, chủ động hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Bình luận (0)