Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Xem một con người qua khả năng tự học...

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/06/2021 18:38 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Khi muốn xem một con người như thế nào, hãy xem khả năng mà người ấy tự học, tự giải quyết vấn đề của bản thân ra sao".

Tự học, tự tích luỹ kinh nghiệm là một năng lực

Phát biểu tại hội nghị tổng kết thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức tại Hà Nội ngày 18.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho rằng khi muốn xem một con người như thế nào, người ta sẽ xem khả năng mà người ấy tự học, tự giải quyết vấn đề của bản thân ra sao. Khả năng tự học, tự tích luỹ các kinh nghiệm thì bản thân nó đã là một năng lực, là kỹ năng gốc để trang bị các kỹ năng khác.
Cho nên, con người nếu không có năng lực học tập, tự học, thì thiếu đi một yếu tố có tính nền tảng của mọi năng lực và kỹ năng khác. Một dân tộc mà thiếu những con người biết học tập thì đó là dân tộc thiếu năng lực để giải quyết các vấn đề của mình.
"Nếu chúng ta có một xã hội học tập phát triển tốt, thì có nghĩa là năng lực gốc cho sự phát triển của quốc gia rất tốt. Xã hội học tập tốt là nguồn lực của quốc gia; nên phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia", ông Kim Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, trách nhiện của chúng ta là phát triển một xã hội hiếu học, trong đó tập hợp những cá nhân, thành viên hiếu học; nó tập hợp thành tập thể hiếu học mà có thể gọi là xã hội hiếu học, một xã hội biết học và biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu học tập.
Theo Bộ trưởng Kim Sơn, nhìn ở tầm vĩ mô thì công việc của Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành khác, trên cương vị quản lý nhà nước và hoạt động tổ chức xã hội, thực chất chúng ta chỉ làm 2 công việc quan trọng nhất, đó là thúc đẩy, khuyến khích, gia tăng nhu cầu học tập và bằng mọi cách thoả mãn tất cả nhu cầu học tập đó. “Chỉ 2 phương diện đó được đẩy mạnh, có nghĩa chúng ta sẽ có một xã hội học tập rất năng động”, ông Kim Sơn nói.
Thời gian tới, theo người đứng đầu ngành GD-ĐT: “Cơ sở giáo dục phải đóng vai trò nòng cốt trong phát triển xã hội học tập”.

Doanh nghiệp đào tạo cùng chứ không nên phàn nàn phải “đào tạo lại”

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kim Sơn cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp. Nếu không có sự vào cuộc, tham dự, nhìn nhận đúng vai trò của doanh nghiệp thì xã hội học tập sẽ thiếu đi một động lực vô cùng quan trọng.
Hiện nay, tri thức ngày càng rộng lớn, kỹ năng cần ngày càng phong phú, nghề nghiệp mới sinh ra mỗi ngày. Nếu chỉ trông chờ vào đào tạo 3 - 4 năm trong trường đại học hay thời gian ngắn trong trường nghề và nghĩ rằng người học ra trường phải làm được ngay, làm đúng nghề, quan điểm đó cần được điều chỉnh.
Hệ thống trường đại học và các trường nghề cũng hướng đến trang bị kiến thức căn bản, cốt lõi, khả năng tự học, khả năng thích ứng, nhưng không có những chương trình trang bị tất cả các thứ như doanh nghiệp mong muốn. Do đó, doanh nghiệp phải tham dự đào tạo cùng, đào tạo tiếp, chứ không nên phàn nàn là “đào tạo lại”.
Trong các thành tố, ta xác định vai trò của hệ thống các cơ quan, đoàn thể, cơ sở giáo dục đào tạo là nòng cốt; của doanh nghiệp là cùng tham gia.
Thời gian tới, ông Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai một số công việc, trong đó sẽ rà soát các mô hình để đánh giá hiệu quả mô hình hoạt động của trung tâm giáo thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng để củng cố từng thành tố tham gia phát triển xã hội học tập.
Điểm quan trọng nữa là cần chọn một số việc ưu tiên, tập trung làm tốt, như: xoá mù chữ, phát triển hệ thống đào tạo từ xa, tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học, tăng cường các hoạt động truyền thông và định hướng xã hội đối với việc học tập; gia tăng nguồn tài nguyên, dữ liệu số phục vụ việc học tập thường xuyên. 
Gần 98% người Việt trong độ tuổi 15 - 60 tuổi biết chữ
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, với mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 đạt 94,88%, độ tuổi 15 - 35 đạt 97,91%.
Trong 8 năm qua, các địa phương đã xóa mù chữ cho trên 300.000 người ở độ tuổi 15 - 60. Số phụ nữ biết chữ đạt tỷ lệ cao, giúp chỉ số cân bằng giới gần đạt được sự cân bằng tuyệt đối.
Theo Bộ GD-ĐT, trong những người mới biết chữ, hơn 90% tiếp tục học tập và không tái mù. Cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, THCS mức độ 1 và nhiều nơi đạt mức chuẩn cao hơn. Tỷ lệ học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại trường đạt 64,6% và không ngừng tăng qua từng năm.
Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên cũng được phát triển, mở rộng. Hiện, cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trường cấp tỉnh, 619 cấp huyện, còn lại là trung tâm học tập cộng đồng, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống. Trong 8 năm, khoảng 8,4 triệu học viên đã theo học tại các trung tâm này, riêng học viên ngoại ngữ là 7,1 triệu người.
Tuy đề án đạt được thành tích nhất định, Bộ GD-ĐT đánh giá mục tiêu nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đạt. Cụ thể, mới hơn 43% cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2, hơn 19% đạt chuẩn bậc 3; hơn 94% cán bộ, công chức cấp xã, huyện đạt trình độ chuyên môn theo quy định; lao động, công nhân tay nghề cao hơn 82%.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Đề án Xây dựng xã hội học tập đặt mục tiêu hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đảm bảo đến năm 2030, mọi người dân đều bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.