Ban chỉ đạo liên ngành đã kiểm tra thực phẩm tra ở Công ty Vissan (Q.Bình Thạnh), Công ty thực phẩm Bình Tây (Q.7) và chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kiêm Phó trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP, chỉ đạo Ban Quản lý ATTP TP.HCM lấy mẫu kiểm nghiệm tại các cơ sở sản xuất, buôn bán mà đoàn kiểm tra để kiểm nghiệm các yếu tố vi sinh, nấm mốc, hóa chất… nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm và công bố công khai cho người dân.
Giò chả là thực phẩm được "ưu tiên" kiểm tra trong dịp tết ẢNH: DUY TÍNH
|
Trưa cùng ngày, làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP TP.HCM tại trụ sở UBND TP.HCM, Bộ trưởng đề nghị TP.HCM tăng cường
kiểm tra thực phẩm dịp Tết, mùa lễ hội vì TP.HCM rất đông dân, nguy cơ mất ATTP rất lớn. Việc kiểm tra là để đảm bào sức khỏe nhân dân, xử lý nghiêm các sai phạm, đồng thời phải tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh cần kiểm tra dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thịt, thứ đến là nấm mốc, chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong tôm khô, mực, chà bông, chả… là những phản phẩm tiêu thụ nhiều dịp Tết.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị TP.HCM tập huấn cho bà con tiểu thương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục Trưởng Cục ATTP, cho biết từ đầu tháng 12, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP đã có kế hoạch đảm bảo ATTP Tết Nguyên Đán 2019 và mùa lễ hội. Hà Nội và các tỉnh có cửa khẩu, đặc biệt TP.HCM là những địa bàn trọng điểm về sản xuất, kinh doanh và trung chuyển các mặt hàng được tiêu thụ lớn dịp tết là nước giải khát, bia rượu, bánh mức, kẹo, sản phẩm từ động vật, thịt, cá, trứng, sữa… Đợt này, đoàn đi kiểm tra là đôn đốc các địa phương thực hiện chỉ đạo của T.Ư và kiểm tra xem sự tuân thủ của doanh nghiệp. Qua kiểm tra, nhìn chung TP.HCM triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP tốt.
Theo Cục ATTP, trong 9 tháng đầu năm 2018, Cục đã triển khai 20 đoàn kiểm tra về ATTP và ra quyết định
xử phạt vi phạm hành chính 71 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,3 tỉ đồng. Trong đó, sai phạm nhiều nhất là về quảng cáo thực phẩm, thứ đến là sai phạm về chất lượng, ghi nhãn sản phẩm, điều kiện sản xuất.
Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng cho biết từ tháng 3.2017 đến tháng 9.2018, Ban đã thanh, kiểm tra 3.687 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn TP.HCM và xử phạt vi phạm hành chính 623 cơ sở với tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng.
Bình luận (0)