Bộ trưởng NN - PTNT Cao Đức Phát: “Tôi cảm thấy mình làm chưa tốt”

24/11/2011 01:45 GMT+7

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng tình trạng lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật là đáng lo ngại.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng tình trạng lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật là đáng lo ngại.

Dẫn số liệu đã được công bố, ông Hoàng cho biết chỉ riêng việc sử dụng thuốc trừ sâu, trước năm 1985 chúng ta chỉ sử dụng 9.000 tấn, từ năm 1986 - 1990 sử dụng 15.500 tấn/năm, 1991 - 2000 là 33.000 tấn/năm, và từ 2001 - 2007 là 75.000 tấn/năm. “Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng ruộng bị ô nhiễm, tài nguyên sinh vật bị cạn kiệt, suy thoái ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm...”, ông Hoàng nói. Bộ trưởng Phát nói rằng Bộ đã hết sức chú ý tới vấn đề này và đã ban hành các thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn, để quản lý sản xuất. “Tôi cảm thấy là mình làm chưa tốt, chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân. Nhưng mà chúng tôi đã cố gắng trong nhiều năm gần đây và đang rất quyết tâm để tạo chuyển biến trong việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...”, ông Phát nói thêm.

Cho rằng VN là nước nông nghiệp nhưng trên thị trường tràn ngập nông sản nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc và không kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) yêu cầu Bộ trưởng Phát nêu rõ giải pháp cải thiện tình trạng này. Ông Phát nói: “Năm ngoái, chúng tôi ban hành các thông tư trong đó quy định rõ: các nước xuất khẩu nông sản vào Việt Nam phải thông báo trước về chế độ kiểm soát chất lượng ở nước mình, thông báo về năng lực của doanh nghiệp và đặc tính của nông sản đó. Trước mắt chúng tôi kiểm soát trên cơ sở những xác nhận đó, và về lâu dài sẽ thực hiện như các nước đang áp dụng đối với nước ta là cử người đến tận nơi kiểm soát ngay từ cơ sở”.

Có ít nhất 5 câu hỏi liên quan đến vấn đề bảo vệ 3,8 ha triệu đất lúa, nhiều nhất trong số các nội dung chất vấn của các ĐB dành cho Bộ trưởng NN-PTNT. Ông Phát cho rằng diện tích đất lúa bị giảm là do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi dòng chảy các dòng sông và bờ biển gây sạt lở và xâm nhập mặn, lấy đất lúa để phát triển đô thị khu công nghiệp, khu dân cư... “Nhất định một đất nước công nghiệp hóa phải có đất cho công nghiệp nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phát triển công nghiệp ở khu vực ven biển, trên các vùng đất cát, vùng trung du. Chúng ta cũng phải có chính sách hỗ trợ cho địa phương chuyên trồng lúa, nông dân chuyên trồng lúa có cuộc sống không thua kém các địa phương và hộ gia đình làm ngành nghề khác”, ông Phát nêu giải pháp.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.