Bộ trưởng NN-PTNT: Mưa lịch sử ở Đà Nẵng năm 2022 là bài học cho các đô thị

20/04/2023 20:04 GMT+7

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng trận mưa lũ lịch sử hồi tháng 10.2022 ở Đà Nẵng là kinh nghiệm, bài học cho các đô thị.

Ông Lê Minh Hoan: Mưa lịch sử ở Đà Nẵng là bài học cho các đô thị - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

ĐÌNH HUY

Chiều 20.4, tại trụ sở Bộ NN-PTNT diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT - TKCN năm 2023 do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan chủ trì.

Theo báo cáo công bố tại hội nghị, năm 2022, thiên tai ở nước ta xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng, miền cả nước, với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4, 5, 6, nhất là tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Tại miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.2022 gây ngập lụt diện rộng các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên; liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Đặc biệt, mưa lớn sau bão số 5, tại TP.Đà Nẵng mưa rất to tại Suối Đá (831 mm), vượt lịch sử năm 2018 là 635 mm; cường suất rất lớn, 642 mm trong vòng 7 giờ (từ 15 giờ - 21 giờ) ngày 14.10.2022 đã gây lũ trên báo động 3 trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng, có nơi tới 1,5 - 2 m tại trung tâm TP.Đà Nẵng.

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỉ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận giông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỉ đồng.

Trận mưa lũ lịch sử tại Đà Nẵng là bài học cho các đô thị

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng, cho biết trận mưa lịch sử tháng 10.2022 khiến 73.000 ngôi nhà bị ngập lụt, có nơi ngập đến 2 m, gây thiệt hại 1.500 tỉ đồng. Do thời tiết cực đoan, TP.Đà Nẵng còn có nguy cơ đối mặt với nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa lớn cực đoan, sạt lở đất đá đồi núi, ngập lụt lớn khu vực đô thị.

Theo ông Minh, một trong những tồn tại, hạn chế của thành phố là hệ thống thoát nước. Hệ thống thoát nước của thành phố đảm bảo khả năng thoát nước khoảng từ 30 - 50 mm/giờ, tùy theo từng vị trí và triều cường. Với cường độ trận mưa như ngày 14.10.2022 và xảy ra đúng thời điểm triều cường đạt đỉnh thì hệ thống thoát nước của thành phố không thể đáp ứng được dẫn đến ngập sâu trên diện rộng.

Bên cạnh đó, công tác dự báo về lượng mưa chưa theo kịp diễn biến thực tế mưa lũ, chưa chính xác, cụ thể về thời điểm, phạm vi mưa lớn và định lượng mưa trên địa bàn. Công tác ứng phó có phần chưa chủ động do không xác định được đầy đủ tình trạng mưa lũ, khả năng ứng phó với ngập lụt ở đô thị có phần bị động.

Để khắc phục tình trạng này, ông Minh kiến nghị T.Ư tiếp tục hỗ trợ vốn triển khai các dự án phòng, chống thiên tai; xây dựng hành lang thoát lũ các tuyến sông trên địa bàn thành phố, hỗ trợ thành phố rà soát, nghiên cứu, có giải pháp tổng thể chống ngập trước mắt và lâu dài.

Ông Lê Minh Hoan: Mưa lịch sử ở Đà Nẵng là bài học cho các đô thị - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT

ĐÌNH HUY

Nhấn mạnh các trận mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn, gây ngập sâu như TP.Đà Nẵng hồi tháng 10.2022, ông Lê Minh Hoan cho rằng trận mưa lũ lịch sử này là kinh nghiệm, bài học cho các đô thị, nhất là các đô thị ven biển như Hạ Long, Phú Quốc... trong công tác phòng, chống ngập lụt.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện, chưa sát với thực tế.

Phó Thủ tướng đề nghị trước hết cần tiếp tục thay đổi tư duy của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện phương châm chuyển từ "ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa" trong phòng, chống thiên tai.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai, có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.