Bộ trưởng nói 'ăn hàng làm nghèo đất nước', người Malaysia phản ứng

Khánh Như
Khánh Như
28/09/2023 17:02 GMT+7

Nhiều người Malaysia cho rằng việc ăn ngoài không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang đến nhiều lợi ích khác.

Nhiều người Malaysia không có thời gian tự nấu nướng đã đồng loạt phản đối phát biểu của Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli cho rằng người dân đang "nghiện" đi ăn ngoài, khiến đất nước "nghèo hơn", theo tờ South China Morning Post.

Ý kiến của ông Ramli được đưa ra vào ngày 17.9, trong đó ông thúc giục người dân nên tự nấu ăn ở nhà để tiết kiệm tiền, tờ Sinar Harian đưa tin.  Theo ông, thu nhập dùng cho việc đi ăn ngoài, dù là mua mang về hay ăn tại chỗ, đều tăng lên qua các năm.

Phát biểu trên đã gây ra một làn sóng phản đối trong dân chúng. Nhiều người cho rằng việc mua thức ăn bán ở các cửa hàng không có vấn đề gì, ngược lại nó còn giúp họ tiết kiệm thời gian và có thêm dịp hội họp bạn bè và người thân.

Người dân Malaysia phản pháo phát biểu 'ăn hàng khiến đất nước nghèo' của một bộ trưởng - Ảnh 1.

Hàng quán ở Malaysia luôn đông khách về đêm

SHUTTERSTOCK

Ông Christopher Choong, phó giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Khazanah của Malaysia, viết trên mạng xã hội X rằng ông Ramli bỏ qua rất nhiều yếu tố dẫn đến quyết định ăn bên ngoài thay vì tự nấu của người dân. Theo ông Choong, để tự nấu ăn, sẽ cần thời gian để lập kế hoạch, đi chợ, nấu nướng và dọn dẹp, và những việc này chiếm rất nhiều thời gian, khiến nhiều người không thể tập trung vào những việc có thể giúp họ kiếm tiền.

Trong một nghiên cứu về chủ đề ăn uống bên ngoài vào năm 2020, Choong và nhà nghiên cứu Goh Ming Jun cho biết tình trạng "nghèo thời gian" ảnh hưởng đến 61,5% phụ nữ Malaysia và 48% nam giới, đặc biệt là ở các hộ gia đình có thu nhập thấp ở thủ đô Kuala Lumpur. 

So với các quốc gia khác, văn hóa ẩm thực đường phố nổi tiếng thế giới của Malaysia còn bắt nguồn từ việc cung cấp các bữa ăn nhanh và rẻ cho người lao động khi di chuyển. Sự gia tăng của các quán ăn Ấn Độ - Hồi giáo (hay còn gọi là mamak) đã phổ biến trên khắp đất nước từ đầu những năm 1990. Sự xuất hiện của các quán phục vụ 24/24 là kết quả của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Malaysia.

"Điều này đã trở thành một yếu tố mạnh mẽ trong văn hóa ẩm thực đường phố của Malaysia. Tôi nghĩ chúng ta nên bảo vệ điều đó", một tài xế ở Kuala Lumpur cho biết. Người này nói thêm rằng nhiều du khách quốc tế bị hấp dẫn bởi văn hóa ẩm thực của Malaysia và đây có thể là nguồn lợi lớn cho hoạt động du lịch và nền kinh tế của đất nước về lâu dài. 

Anh Nabil Ersyad, một nhà hoạt động về giao thông đô thị và thành phố, cho biết đi ăn ngoài là một phần có giá trị trong văn hóa Malaysia. Tuy nhiên, giờ đây, hoạt động này phát triển hơn nhiều so với trước đây là vì mọi người cần tìm kiếm một không gian có thể gặp mặt bạn bè.

"Có rất ít nơi để đến, đi chơi và gặp gỡ mọi người ngoài việc đến nhà hàng và trung tâm thương mại", Ersyad nói.

Thêm một thực tế khác là nhiệt độ ban ngày ở Malaysia thường xuyên vượt quá 30 độ C, đây cũng là lý do tại sao người dân quốc gia Đông Nam Á tìm nơi "ẩn náu" trong các trung tâm mua sắm và nhà hàng có máy lạnh.

Asrul, một người độc thân và sống một mình, cho biết: "Mọi người nói nấu ăn ở nhà rẻ hơn nhưng thực tế chi phí nấu ăn cho một người lại rất tốn kém".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.