Bộ trưởng Nội vụ: 'Sử dụng nhân tài quan trọng nhất là bố trí đúng người, đúng việc'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
24/05/2018 12:25 GMT+7

Nói về hàng loạt ' nhân tài ' Đà Nẵng xin thôi việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, quan trọng nhất là bố trí đúng người, phù hợp với điều kiện vị trí việc làm, chứ không chỉ là chọn người học giỏi, có bằng cấp.

Bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay, 24.5, Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân chia sẻ với báo chí xung quanh câu chuyện nhiều nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng xin ra khỏi khu vực công.
4 "trụ cột" của chính sách
Câu chuyện nhiều nhân lực cao tại Đà Nẵng xin ra khỏi khu vực công, trước đó chuyện này cũng xảy ra ở Hà Nội, cho thấy dường như chính sách tuyển dụng, sử dụng nhân tài đang rất có vấn đề,  Bộ trưởng suy nghĩ sao về thực trạng này?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước ta rất rõ. Tức là vấn đề trọng dụng những người học tập đạt thành tích tốt đã được chứng minh trong thực tiễn. Thứ hai là bố trí đúng người, đúng việc chứ không chỉ là những người học giỏi, có bằng cấp, tức là phải phù hợp với điều kiện vị trí việc làm. Thứ ba là phải tạo cho được môi trường để họ phát huy năng lực, sở trường của mình. Thứ tư là phải không ngừng theo dõi, luôn tạo điều kiện hỗ trợ và giúp đỡ giới trẻ này. Vấn đề cuối cùng là chúng ta phải có chính sách, trong đó gồm chính sách tạo điều kiện, chính sách đề bạt, bổ nhiệm, thậm chí cả chính sách về lương bổng, thu nhập. 

Trao đổi bên hành lang kỳ họp này, các đại biểu cũng bày tỏ rằng cơ quan nhà nước hiện nay cần linh hoạt như khối tư nhân, để tạo cạnh tranh trong thu hút nhân tài?

Theo tôi nghĩ, chính sách cũng phải dựa trên 4 “trụ cột” quan trọng, đó là chúng ta bố trí đúng chuyên môn, đúng việc làm. Thứ hai, chúng ta có chế độ đãi ngộ phù hợp trong điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và của ngành lĩnh vực, ví dụ như vấn đề nhà ở, lương, quy hoạch đề bạt, bổ nhiệm. Trụ cột thứ ba là chúng ta phải tạo đủ mọi điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, sở trường của mình, trên cơ sở đó phải được theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ để cán bộ phát huy được tài năng. Thứ tư là không cục bộ trong việc sử dụng cán bộ, tức là không bắt buộc người ta phải ở với mình, trong khi mình không đáp ứng được tiêu chuẩn điều kiện, không sử dụng đúng sở trường và khả năng của người đó, bởi nhân tài đó là tài sản chung của đất nước chứ không chỉ riêng của cơ quan đơn vị mình.

Như chuyện xảy ra ở Đà Nẵng, nhiều nhân tài vào cơ quan nhà nước nhưng vẫn làm hợp đồng, nên họ sẵn sàng ra đi và sẵn sàng đền bù hàng tỉ đồng để được ra khỏi bộ máy. Vậy theo ông, có cơ chế nào để những nhân tài này vào được biên chế, công chức để ổn định tâm lý cho họ cống hiến?

Theo tôi, hiện nay đi vào công chức chỉ có 2 phương thức. Một là tuyển dụng không qua thi tuyển và thứ hai là phải thi tuyển vào công chức. Việc tuyển dụng không qua thi tuyển là những trường hợp hết sức đặc biệt. Mà sắp tới, những trường hợp đặc biệt như thế là không nhiều, có thể là 10 - 15% thôi.

Vấn đề tuyển dụng qua thi là phổ biến để chúng ta tuyển dụng đúng nhân tài. Trong thời gian vừa qua, hầu hết công chức của chúng ta tập trung vấn đề đi vào một cơ quan nào đấy, đơn vị sự nghiệp nào đó chọn đúng thời điểm là 5 năm đủ các tiêu chí, điều kiện, để xét tuyển là chủ yếu mà không qua thi tuyển. Như thế, đối với những người thực sự có tài năng, thậm chí những em sinh viên mới ra trường, tôi nghĩ rằng nếu họ tự tin hãy đăng ký thi tuyển vào công chức.

Sắp tới, Bộ Nội vụ chủ trương sẽ khuyến khích thi tuyển vào công chức để chọn đúng nhân tài và tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Vấn đề xét tuyển, chỉ là những trường hợp thực sự đặc biệt, không khuyến khích, phổ biến.

"Với tri thức thì không phải chỉ có đường chức vụ"

Có ý kiến cho rằng như câu chuyện ở Đà Nẵng, nhiều trường hợp nản không chỉ vì lương, chế độ mà quan trọng họ muốn thể hiện, phát huy năng lực, bứt phá nhưng môi trường nhà nước lại có những bó buộc, kìm hãm?

Tôi nghĩ vấn đề ở đây quan trọng là thực hiện chính sách. Vùng sâu, vùng xa thì chúng ta có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, những người tài thực sự muốn cống hiến, muốn đến công tác ở nơi đó. Những nơi khó khăn thì càng cần cán bộ giỏi, chứ không phải những nơi khó khăn mà hạ tiêu chuẩn của cán bộ, công chức.

Sắp tới đây chúng tôi sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị đinh 116 và Nghị định 61, Nghị định 64 để chúng ta gom vào một chính sách. Chính sách này là để khuyến khích những người tài, những người giỏi tình nguyện đến công tác tại vùng núi, hải đảo. Tôi nghĩ vấn đề chính sách thì quan trọng hơn là căn cứ vào điều kiện khó khăn của từng vùng mà hạ tiêu chuẩn cán bộ, công chức, bởi những nơi đó thực sự cần những người tài giỏi.

Nhưng thực tế chuyện xảy ra ở Đà Nẵng không phải là do hạ tiêu chuẩn cán bộ công chức, mà có người tâm sự họ không có điều kiện để phát huy năng lực nên muốn bỏ bộ máy hành chính ra làm các tập đoàn, công ty tư nhân?

Tôi thấy đối với tri thức hiện nay, chúng ta không phải chỉ có con đường đi theo chức vụ. Mà công chức hiện nay là đi theo con đường chức nghiệp, tức là tạo mọi điều kiện để công chức có thể đi lên bằng khả năng, sở trường và chuyên môn của mình. Nên trong cải cách tiền lương lần này, chúng ta có đặt vấn đề trả lương theo vị trí việc làm, tức là đã nhấn mạnh vấn đề chức nghiệp của công chức. Anh có thể là chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, thậm chí anh là chuyên gia, thì chế độ chính sách của anh cũng không thua kém gì so với những người có chức vụ lãnh đạo.

Nên chúng ta không nghiêng về vấn đề là phải đi theo con đường chính trị, tức là phải có chức vụ lãnh đạo. Mỗi công chức đi theo con đường chức nghiệp theo trình độ chuyên môn của mình thì vẫn có con đường thăng tiến, cánh cửa này rộng mở hơn. Bởi chúng ta thấy, công chức thì nhiều, nhưng chức vụ lãnh đạo thì ít, như vậy điều kiện phát triển là chúng ta nghiêng về việc đi theo con đường phát triển sự nghiệp của mình bằng con đường chức nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.