Bộ trưởng Quốc phòng: Nên giữ nguyên tuổi hưu 60 với sĩ quan cấp tướng

Mai Hà
Mai Hà
05/11/2024 13:29 GMT+7

Nhiều đại biểu đề xuất nên tăng tuổi công tác với sĩ quan cấp đại tá và cấp tướng, song Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang mong Quốc hội giữ nguyên như đề xuất 60 tuổi nghỉ hưu với sĩ quan cấp tướng.

Sáng 5.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng: Nên giữ nguyên tuổi hưu 60 với sĩ quan cấp tướng- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)

ẢNH: GIA HÂN

Nhất trí với việc tăng hạn tuổi như dự thảo đề xuất, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng việc tăng tuổi với sĩ quan tại ngũ từ 1 - 5 tuổi sẽ tăng thêm thời gian cũng như mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Ông Nghĩa cũng đề nghị rà soát để xem xét tăng thêm tuổi tại ngũ đối với cấp đại tá và cấp tướng, nhằm bảo đảm thống nhất trong lực lượng vũ trang và tương thích với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong bộ luật Lao động.

"Số lượng cấp đại tá và cấp tướng chiếm tỷ lệ nhỏ nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không tác động nhiều đến tổng quân số. Trong khi đó, đây là cơ chế để tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trình độ của các sĩ quan này trong thời bình hiện nay", ông Nghĩa nêu.

Về cán bộ tình báo, theo ông Nghĩa, tình báo quân đội là lực lượng tinh nhuệ của tinh nhuệ, là lực lượng trọng yếu, tuyệt đối trung thành, đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và quân đội. Do đó, ông nhất trí dự thảo luật bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù đối với cán bộ tình báo và người cộng tác với lực lượng tình báo thuộc Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung mang tính chất nguyên tắc về chính sách ưu đãi đặc thù như tiền lương, thưởng, thăng tiến, chăm sóc gia đình, chế độ với thân nhân và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Bộ trưởng Quốc phòng: Nên giữ nguyên tuổi hưu 60 với sĩ quan cấp tướng

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) thì cho rằng, nên xác định theo hướng cho kéo dài tuổi nhưng không quá 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ và giao Chính phủ hoặc Bộ trưởng Quốc phòng quy định cụ thể.

Đồng tình sửa luật theo hướng tăng tuổi, song đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) lưu ý, ở những khu vực miền núi, hải đảo thường phức tạp, khó khăn hơn, nên cần xem xét quy định hạn tuổi thấp hơn so với các khu vực khác và giao Bộ trưởng Quốc phòng quy định.

Bộ trưởng Quốc phòng: Nên giữ nguyên tuổi hưu 60 với sĩ quan cấp tướng- Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang

ẢNH: GIA HÂN

Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu về quân hàm cấp úy tăng 46 lên 50 tuổi, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, các sĩ quan ra trường khoảng 10 - 12 năm sẽ lên đến đại úy. "Đến năm 50 tuổi mà chỉ lên đại úy thì năng lực phải xem lại", ông Giang nói và cho rằng, tuổi cấp đại úy nghỉ hưu là không nhiều, gần như không có. 

Về đề xuất tăng tuổi hưu của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi, Bộ trưởng Phan Văn Giang nói, do đặc thù riêng trong công tác tổ chức, chỉ huy trong quân đội, nên ông mong Quốc hội cho phép giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan cấp tướng như trong dự thảo đề xuất là 60 tuổi.

"Quan điểm của chúng tôi là nuôi quân ba năm và chỉ sử dụng một giờ", Bộ trưởng Giang nói. Theo ông, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam phải rèn quân thế nào để "khi có tình huống là phải xử lý được" và phải đáp ứng được yêu cầu ngày "càng nhanh, càng cao" về chuyên môn.

Theo dự thảo luật, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm, tăng thêm từ 1 - 5 tuổi. Cụ thể, cấp úy lên 50 tuổi, thiếu tá 52 tuổi, trung tá 54 tuổi, thượng tá 56 tuổi, đại tá 58 và cấp tướng là 60 tuổi (không phân biệt nam, nữ).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.