(TNO) Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết sẵn sàng hợp tác cùng bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN để duy trì an ninh khu vực, theo Reuters ngày 16.10.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thường Vạn Toàn có động thái "hòa hoãn" với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN - Ảnh: Reuters |
Phát biểu mở đầu một cuộc họp riêng với bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN bên lề Diễn đàn An ninh Xiangshan 2015, ông Thường Vạn Toàn khẳng định tất cả cần phải thúc đẩy một sự phát triển "đúng đắn" của mối quan hệ quốc phòng giữa Bắc Kinh và ASEAN.
Cuộc họp không chính thức này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một sự kiện như vậy, trong đó phản ánh những căng thẳng trong vấn đề Biển Đông thời gian gần đây, hãng tin AP phân tích hôm 15.10.
Việc Trung Quốc tiếp riêng bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN đến trong những kỳ vọng về việc Hải quân Mỹ sẽ trực tiếp thách thức việc tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc muốn sử dụng cuộc gặp gỡ này để cải thiện hình ảnh, bằng cách bày tỏ mong muốn hợp tác cùng ASEAN để giải quyết những vấn nạn chung, ví dụ tình trạng khủng bố cực đoan.
“Trung Quốc muốn nhân sự kiện này để gây dựng quan điểm, lý giải những chính sách và cải thiện hình ảnh lực lượng an ninh của họ”, AP dẫn lời chuyên gia an ninh trong khu vực Li Mingjiang của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng việc tiếp đón các thành viên ASEAN nhằm mục đích “thúc đẩy sự hợp tác chiến lược về lòng tin và thực tế”. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn sẽ hội đàm với các đối tác ASEAN.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang muốn tận dụng cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN để lấy lại hình ảnh, trong bối cảnh bị Mỹ trực tiếp thách thức việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông - Ảnh: Reuters
|
Theo chuyên gia Li Mingjiang, Trung Quốc nhận thấy mối quan hệ về quốc phòng của họ và các nước trong khu vực đang yếu đi và muốn tận dụng cuộc gặp gỡ này để lấy lại hình ảnh. Việc tổ chức tại Bắc Kinh cũng là cách Trung Quốc lấy lợi thế trong các cuộc đối thoại trên Biển Đông, ít ra trong lần gặp này.
Tuần trước, các quan chức Quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ tiến vào khu vực 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012 Mỹ trực tiếp thách thức các hoạt động xây dựng và tuyên bố chủ quyền trái phép, theo AP.
Bình luận (0)