Giải trình trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều nay, 31.10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm, từ 2016-2020, ước đạt 6,8 triệu tỉ đồng, tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 24,4% GDP, trong đó thuế, phí xấp xỉ 21% GDP.
Về chi ngân sách, tổng chi đầu tư trong 5 năm ước đạt hơn 2,15 triệu tỉ đồng bao gồm cả nguồn tăng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần, dự toán năm 2017 giảm còn 64,4%, năm 2020 dự kiến 60,5% nếu được Quốc hội thông qua.
Trong khi đó, mục tiêu của kế hoạch dưới 64%, vẫn đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7% một năm, theo Nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ chi cho quốc phòng an ninh, chính sách an sinh xã hội.
“Dự toán chi thường xuyên giao cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đã được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp. Qua đó, cơ cấu lại nguồn ưu tiên bố trí thực hiện cải cách tiền lương và an sinh xã hội. Lũy kế 5 năm, giảm chi thường xuyên do thực hiện các nhiệm vụ này khoảng 28.000 tỉ đồng. Trong thời gian tới, tiếp tục cơ cấu bộ máy nhà nước, đẩy mạnh thực chất nhiệm vụ sắp xếp, tinh giản biên chế, cắt giảm nhiệm vụ chi không cần thiết, chống lãng phí”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, tại kỳ họp này, Chính phủ cũng đã trình ra Quốc hội, đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng, tăng thêm 110.000 đồng/tháng, kể từ 1.7.2020.
Về bội chi, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định kiểm soát được về cả con số tuyệt đối và tương đối. Bình quân cả giai đoạn 2016-2020, bội chi 3,6-3,7% GDP, trong khi mục tiêu đặt ra là 3,9%GDP. Nhờ kiểm soát tốt các khoản bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa.
Theo Bộ trưởng, nếu như giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm, trong khi GDP danh nghĩa là 14,5%, thì giai đoạn 2016-2018 tốc độ tăng nợ công 8,2%/năm, GDP danh nghĩa tăng 9,7%/năm. Kết quả, tỷ lệ nợ công đến cuối 2020 ước tính 54,3%GDP, trong khi năm 2016 khá cao: 63,7% GDP.
Liên quan đến xử lý nợ, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, 10 tháng đầu năm, toàn ngành Tài chính thực hiện trên 73.900 cuộc thanh, kiểm tra, qua đó kiến nghị xử lý tài chính 48.300 tỉ đồng, thu nộp vào ngân sách nhà nước 14.800 tỉ đồng, kiến nghị tài chính khác 33.000 tỉ đồng. Riêng số giảm lỗ là 29.900 tỉ đồng và số tiền thực nộp vào ngân sách nhà nước là 10.300 tỉ đồng.
Về thu hồi nợ đọng thuế, nợ có khả năng thu hồi chiếm 52,2%, giảm 12,3% so với cùng kỳ 2018; nợ không có khả năng thu hồi chiếm 47,8%, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ đọng có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm, năm 2015 là 7,7%, thì cuối tháng 10.2019 còn 3,65%.
Bình luận (0)