Thảo luận tại tổ về luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chiều 19.6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, dự luật chưa quy định năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định chủ đầu tư phải đảm bảo đủ năng lực tài chính mới được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. Có như vậy dự án mới triển khai đúng tiến độ và quy định.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay có tình trạng không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hàng trăm nghìn người dân không được cấp vì các chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách nhà nước. Quy định luật là giao đất cho doanh nghiệp, sau đó mới xác định tiền sử dụng đất, nếu doanh nghiệp không nộp thì mới phạt chậm nộp, nhưng tiền phạt thấp hơn lãi ngân hàng.
“Nên doanh nghiệp sau khi bán nhà, ứng tiền trước của dân, lấy tiền hình thành trong tương lai đi đầu tư dự án khác, không có tiền nộp ngân sách. Người dân không được nhận giấy chứng nhận, chính quyền phải đối diện với sự bất ổn do người dân khiếu nại”, Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính: “Tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân là dân sự, đưa ra tòa. Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chỉ bắt chủ đầu tư đi tù, nhưng hàng nghìn người dân không được cấp chứng nhận thì ai giải quyết? Chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách thì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người dân mãi mãi phải đi kiện, chính quyền phải giải quyết bất ổn này, mất lòng tin”.
Ông Phớc đề nghị quy định trong luật chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất. “Ông cha nói tiền trao cháo múc, tiền chưa trao mà cháo đã múc thì hôm sau lại phải đi đòi nợ”, Bộ trưởng Phớc ví von.
Cho ý kiến thêm về luật Nhà ở sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, về cơ chế ưu đãi cải tạo sử dụng nhà chung cư tại điều 66, nhà chung cũ được quy định miễn tiền thuê đất và tiền sử dụng đất, tức là cả khu vực. Song, theo ông, chỉ nên miễn tiền sử dụng đất đối với dự án xây dựng nhà chung cư cũ, còn các công trình khác không được miễn.
Đặc biệt, về nhà ở xã hội, nhiều ý kiến cho rằng dự án do Nhà nước xây dựng thì cần phải được duyệt giá, nhưng khi do doanh nghiệp bỏ tiền ra không duyệt giá. Tuy nhiên, theo ông Phớc, đối với nhà ở xã hội dù là Nhà nước bỏ vốn hay không bỏ vốn thì đều phải duyệt giá.
Lý do, với nhà ở xã hội, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất. Nhà nước phải duyệt đối tượng, có nghĩa là những người yếu thế này phải được mua nhà với giá rẻ. Nói cách khác, Nhà nước bỏ tiền ra làm thì đương nhiên Nhà nước phải duyệt giá. Nhưng dự án do doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng Nhà nước vẫn phải duyệt giá, lý do chỉ hình thành thêm tài sản trên đất, trong khi đất đã được Nhà nước miễn.
“Ví dụ, khi anh xây 1 m2 nhà ở xã hội hết 10 triệu đồng thì cho bán khoảng 15 - 17 triệu đồng/m2 thôi, như vậy càng tiết kiệm anh càng có lợi, chứ không phải chủ doanh nghiệp được quyết định giá bán, hóa ra ăn tiền chênh lệch. Phải bảo vệ quyền lợi người mua nhà, không trục lợi nhà ở xã hội nên Nhà nước phải duyệt giá”, ông Phớc nêu.
Bình luận (0)