(TNO) Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, ông nhận được nhiều tin nhắn thắc mắc của người dân về việc mua 13 đoàn tàu Trung Quốc cho tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Phối cảnh tuyến Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: Ban Quản lý dự án đường sắt
|
Tuy nhiên, theo ông Thăng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng vay của Trung Quốc, theo hiệp định ký giữa Chính phủ hai nước từ năm 2008. Dự án theo phương thức tổng thầu EPC nên Việt Nam phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc cũng như các gói thầu cung cấp trang thiết bị từ nước này. Tương tự, các dự án ODA khác của Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng sử dụng nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, cung cấp thiết bị từ nước cho vay vốn.
"Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém, nhiều lần tôi muốn thay thế song không thể vì ràng buộc các điều kiện hiệp định vay vốn", Bộ trưởng Thăng nói và mong muốn nhận được sự chia sẻ.
Trước đó, Ban Quản lý dự án đường sắt có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn phương án thiết kế ngoại thất, nội thất của đoàn tàu thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, Ban quản lý sẽ tiến hành mua 13 đoàn tàu theo hợp đồng đã được ký kết với phía Trung Quốc với chi phí hơn 63,2 triệu USD. Đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tầu điện ngầm Bắc Kinh sản xuất. Theo kế hoạch, 13 đoàn tàu sẽ được đưa về Việt Nam đầu quý 1.2016 chuẩn bị cho việc vận hành trên tuyến.
Liên quan đến một số vấn đề nổi cộm khác của ngành giao thông như hằn lún nhựa đường, kiểm soát tải trọng xe… Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục xử lý. Với kiểm soát tải trọng xe quá tải, theo ông Thăng, vẫn gặp rất nhiều khó khăn do vướng nhiều “nhóm lợi ích”.
Bình luận (0)